Nông nghiệp

Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Bạch Thanh 04/07/2023 - 06:28

Sử dụng thiết bị bay, máy cấy không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân trong sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, hiện việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại này vẫn còn nhiều khó khăn.

Với vai trò kết nối các thành viên, trực tiếp tổ chức sản xuất, nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang phát huy vai trò của mình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, gỡ khó cho tình trạng trên...

htx-nn.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Chuyên (huyện Phú Xuyên) trình diễn máy cấy, máy bay không người lái phục vụ sản xuất.

Hỗ trợ phát triển mô hình nông nghiệp thông minh

Vụ mùa năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung ở các địa phương: Phú Xuyên, Chương Mỹ… Hoạt động này của khuyến nông Hà Nội gắn với việc hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, với những thiết bị hỗ trợ sản xuất hiệu quả, như: Máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ phun thuốc, bón phân, gieo sạ một cách đơn giản và tiết kiệm; máy bay viễn thám, trạm giám sát thời tiết…, giúp khảo sát, lập bản đồ, ứng dụng trong trắc địa. Qua đó, hỗ trợ phát triển mô hình nông nghiệp thông minh toàn diện, nắm rõ tình hình sâu bệnh, yếu tố thời tiết, đất, nước để lên kế hoạch chăm sóc và bảo vệ cây trồng tốt nhất.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Chuyên (huyện Phú Xuyên) Vũ Văn Đình, muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hợp tác xã phải thực hiện nhiều khâu, trong đó việc số hóa, sắp xếp lại mặt bằng đồng ruộng có ý nghĩa quyết định. Bởi, trong thực tiễn, khi cánh đồng có tới gần trăm hộ dân, chỉ chục hộ không đồng ý xóa ranh giới bờ thửa để áp dụng máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón là gặp nhiều khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tá, Đội trưởng đội sản xuất thôn Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, khi hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, làm tốt các dịch vụ nông nghiệp, nông dân chỉ cần làm mỗi khâu kiểm tra đồng ruộng, xác nhận dịch vụ, cuối vụ mang thóc về nhà, dành thời gian đi làm nghề. Nhờ đó, địa phương vẫn giữ được những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, không để ruộng hoang, giúp đời sống nông dân ngày một khấm khá hơn.

Ông Dương Đình Giót ở thôn Đồng Vinh, xã Chuyên Mỹ chia sẻ: “Qua thực tế tham quan trình diễn trên đồng ruộng, tôi thấy việc ứng dụng máy cấy, máy bón vật tư không người lái, đến các việc kiểm tra, dự báo sâu bệnh hại, thời tiết… giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Nông dân chúng tôi rất mong ứng dụng này được triển khai trên 100% diện tích của địa phương”.

Gỡ khó cho các hợp tác xã phát triển

Để đảm nhận được toàn bộ dịch vụ cho nông dân, từ tưới tiêu, thủy lợi nội đồng, phòng trừ dịch bệnh hại, đến cấy gặt cơ giới hóa liên hoàn, đòi hỏi các hợp tác xã nông nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, không phải hợp tác xã nào cũng có đủ nhân lực, nguồn vốn để áp dụng công nghệ cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Chuyên Vũ Văn Đình cho biết, với thực tế hiện nay, để làm chủ công nghệ cao, tiên tiến, các hợp tác xã nông nghiệp rất cần có nguồn vốn để mua máy móc, trang thiết bị gắn với mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, xã viên. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, để ứng dụng công nghệ tiên tiến trên diện rộng, nguồn nhân lực là rất quan trọng đối với các hợp tác xã nông nghiệp.

Tổng Giám đốc Công ty Đại Thành Nguyễn Đức Trường, một đơn vị chuyên cung ứng thiết bị, máy móc công nghệ phục vụ nông nghiệp chia sẻ, một điều quan trọng để ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên đồng ruộng hiệu quả là cơ sở hạ tầng phải phát triển song song. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng hiện nay của nhiều vùng sản xuất của Hà Nội, như giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống tiêu thoát nước… chưa thực sự phát triển.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì phải bắt đầu từ nông dân và các công nghệ số phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của người nông dân. Nhận thức rõ được điều này, khi đưa các mô hình áp dụng công nghệ vào đồng ruộng, ngành khuyến nông Hà Nội đều kết nối cả 3 bên: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp cung ứng công nghệ và hợp tác xã...

Về phía chính quyền địa phương, nhằm gỡ khó cho các hợp tác xã nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho hay, thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp từng bước số hóa các ô, thửa ruộng, vừa làm dữ liệu quản lý đất đai, vừa làm cơ sở để ứng dụng trong phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, trong khi lao động cho nông nghiệp ngày càng khó khăn do chuyển dịch lao động sang làng nghề, dịch vụ, dẫn tới diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày một gia tăng. Do vậy, cần hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hợp tác xã không chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ trên đồng ruộng, mà còn được hỗ trợ, tạo điều kiện cùng tham gia vào quá trình chuyển toàn bộ cơ sở dữ liệu, tích hợp được cơ sở dữ liệu về nông nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.