(HNMO) - Tại hội thảo "Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính ngân hàng", Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đồng tổ chức sáng 26-10 tại Hà Nội, các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy ứng dụng blockchain vào kinh tế số, thì hội thảo là dịp để các bên đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách pháp lý cho công nghệ blockchain, từ đó, giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính Việt Nam tận dụng thời cơ để phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đưa ra 7 xu hướng ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, gồm: Smart contract (hợp đồng thông minh); ICO (quá trình gọi vốn); token được thế chấp bằng tài sản; NFT (tài sản không thể thay thế); CBDC (ngân hàng trung ương); Defi (tài chính phi tập trung); Robo advisor (tư vấn tài chính tự động). Tại Việt Nam, đã có một số ngân hàng thương mại thử nghiệm sử dụng blockchain trong dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, hiện chưa có khuôn khổ pháp lý rõ ràng về blockchain và tiền mã hóa. Tài sản blockchain, tiền mã hóa liên quan đến blockchain không được Ngân hàng Nhà nước công nhận là công cụ tài chính...
Ông Phan Đức Trung cũng khẳng định, việc ứng dụng blockchain sẽ giúp các ngân hàng cắt giảm các chi phí quản trị trung gian nội bộ thông qua cơ chế đồng thuận, phê duyệt giao dịch. Xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain. Ứng dụng các lợi thế của blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin của Ngân hàng Nhà nước, ông Vũ Công Hùng cho biết, công nghệ blockchain có tiềm năng rất lớn trong việc giảm chi phí giao dịch, cho phép giao dịch trực tiếp giữa các người dùng một cách an toàn. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, một số sản phẩm trên nền tảng blockchain đã được sử dụng trong thực tế như giao dịch thư tín dụng (LC), chuyển tiền.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ blockchain vẫn còn khó khăn, thách thức về pháp lý. Vì vậy, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các quy định cụ thể, các tiêu chuẩn kỹ thuật để thuận lợi cho việc công nhận giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử, các hợp đồng điện tử trên các hệ thống blockchain...
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia từ 2 hiệp hội chia sẻ một số cách công nghệ blockchain sẽ thay đổi tương lai của hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, blockchain giúp chuyển tiền quốc tế nhanh chóng, cho phép các giao dịch ngang hàng nhanh hơn và đơn giản hơn, hiệu quả hơn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng quốc tế. Blockchain còn giúp tăng cường bảo mật và giảm gian lận, khi công nghệ này tạo ra dữ liệu đối chiếu, kiểm toán rõ ràng.
Các tham luận cũng cho rằng, cần rất nhiều ngân hàng - tổ chức tài chính tham gia vào tiến trình ứng dụng công nghệ blockchain nhằm sớm thúc đẩy hành lang pháp lý cũng như các chính sách cho phép thí điểm các giải pháp tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo sáng nay, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.