Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt hành động để "chiến thắng" SARS-CoV-2

Vũ Vân| 28/03/2020 17:38

(HNMO) - Ngay sau khi có 2 ca dương tính được xác định là nhân viên tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai qua xét nghiệm sàng lọc, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về những vấn đề mà cơ sở y tế lớn nhất cả nước phải đối mặt và giải quyết. Ông khẳng định, Bạch Mai đã, đang và sẽ hành động quyết liệt để chiến đấu và chiến thắng trong trận chiến phòng dịch Covid-19.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

- Kể từ ngày 18-3, khi ca bệnh số 86 được phát hiện và công bố, Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của toàn xã hội. Xin ông cho biết trong hơn 10 ngày vừa qua, bệnh viện đã triển khai những biện pháp gì để tình hình không trở nên xấu hơn?

- Bệnh viện đã ngay lập tức khởi động quy trình phòng, chống dịch. Việc đầu tiên bệnh viện đã triển khai là khoanh vùng và cách ly toàn bộ nhân viên y tế của Trung tâm Bệnh nhiệt đới và Khoa Tim mạch, kể cả học sinh, sinh viên tại khu vực riêng biệt. Bệnh nhân của Trung tâm Bệnh nhiệt đới được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh nhân Khoa Tim mạch do yếu tố bệnh lý không di chuyển được thì vẫn được điều trị tại khoa. Các đơn vị này được phun khử khuẩn, không nhận bệnh nhân mới. Lúc đó, nguồn lây đối với ca 86 cũng chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi này cũng như khoanh vùng càng sớm càng tốt những trường hợp có thể đã nhiễm vi rút, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hơn 5.000 nhân viên y tế, bệnh nhân và người lao động trong bệnh viện. Đồng thời, thống kê và cung cấp cho các tỉnh, thành phố danh sách bệnh nhân đã khám, điều trị, cả nội và ngoại trú tại Bạch Mai để các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Sau khi xuất hiện bệnh nhân số 133, lệnh hạn chế đi lại qua các khoa, phòng được ban hành, không cho người nhà bệnh nhân vào phòng bệnh, đóng cửa nhà tang lễ, cửa ra vào phía đường Phương Mai… Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm và tính đến 17h ngày 28-3, đã lấy 6.064 mẫu, 5.356 mẫu đã có kết quả âm tính, 8 mẫu dương tính.

Đến 11h đêm qua (27-3), sau khi nhận được kết quả có 2 ca dương tính là nhân viên đưa nước sôi của Công ty TNHH Trường Sinh, bệnh viện đã họp khẩn và quyết định phong tỏa khu vực nhà ăn, không cho ai rời bệnh viện cũng như không tiếp nhận thêm bệnh nhân.

- “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hiện trong bệnh viện có bao nhiêu người đang làm việc, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, thưa ông? Và phương án chăm lo cho họ sẽ được triển khai như thế nào?

- Khoảng 3.000 người đang ở trong bệnh viện vào thời điểm này. Mối lo lớn nhất của chúng tôi bên cạnh công tác phòng, chống lây lan dịch Covid-19 là vấn đề hậu cần. Không thể để bất kỳ ai, kể cả nhân viên y tế, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân phải nhịn ăn dù một bữa. Ngay lập tức, chúng tôi đã liên hệ với Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Việt Nam và Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Ba Sao để đề nghị cung cấp suất ăn cho những người đang ở trong khu cách ly. Riêng với bệnh nhân, suất ăn của họ là suất ăn theo bệnh lý, nên bệnh viện sẽ chuyển thực đơn và công thức cho đơn vị cung ứng để họ chế biến và cung cấp.

- Kinh phí để lo bữa ăn này sẽ được lấy từ nguồn nào, thưa ông, trong khi theo quy định người cách ly không phải đóng góp gì?

- Chúng tôi xác định ở Bạch Mai hiện giờ là thời chiến. Việc cần phải làm là lo cho cán bộ y tế và người dân. Thậm chí, giờ này tôi cũng còn chưa biết giá mỗi suất ăn là bao nhiêu. Có nhiều việc phải lo ngay và lo trước những vấn đề này.

- Là một bệnh viện tuyến đầu, việc không nhận điều trị, kể cả cấp cứu, liệu có dẫn tới những hệ lụy đối với người bệnh, nhất là bệnh nhân nặng không, thưa ông?

- Sáng nay, Bạch Mai đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh tại khu vực miền Bắc và miền Trung đề nghị tạm dừng chuyển tuyến người bệnh đến bệnh viện. Trường hợp cần thiết có thể hội chẩn trực tuyến. Tôi cho rằng, với trình độ hiện nay của bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, đồng thời, với phương án hội chẩn trực tuyến đã được triển khai thường xuyên cũng như kết quả thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế mà các bệnh viện tuyến trung ương, trong đó có Bạch Mai triển khai trong thời gian qua, việc điều trị cho bệnh nhân tại tuyến tỉnh sẽ đạt kết quả. Rất mong người bệnh tin tưởng vào điều đó. Trường hợp bất khả kháng với những ca chỉ Bạch Mai mới giải quyết được thì trao đổi trước khi chuyển tuyến.

- Rõ ràng áp lực đang đặt lên Bệnh viện Bạch Mai là rất lớn. Liệu có giải pháp nào giảm tải được hay không, thưa ông?

- Chúng tôi vừa kết thúc cuộc họp bàn về công tác phòng, chống dịch và vấn đề này cũng đã được giải quyết. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, nhằm giảm bớt số lượng người cách ly tại Bạch Mai, 700 thân nhân của bệnh nhân sẽ được chuyển về khu cách ly tập trung của Hà Nội ngay trong đêm nay để tiếp tục cách ly trong 14 ngày tới.

- Xin rất chia sẻ với ông bởi ngày ông nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng là ngày công bố ca bệnh số 86. Ông có muốn nói gì về cuộc chiến sắp tới của Bạch Mai?

- Rất cảm ơn về sự chia sẻ. Là người đã từng học tập và trưởng thành từ đây, tôi tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này bởi Bạch Mai là một bệnh viện tuyến đầu có bề dày gần 110 năm phát triển, với đội ngũ cán bộ y tế rất hùng hậu, giỏi chuyên môn và quen làm việc ở tiền tuyến.  

- Xin cảm ơn ông! Người dân cũng mong ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai sẽ sớm được khống chế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt hành động để "chiến thắng" SARS-CoV-2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.