Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ

Hoàng Hà| 12/08/2021 06:06

(HNM) - Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Do đó, thời gian qua, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên cả nước nói chung, tại thành phố Hà Nội nói riêng luôn được quan tâm.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi liên quan đã được ban hành; các doanh nghiệp tham gia đầu tư cũng được tạo nhiều điều kiện thuận lợi…

Song, trên thực tế, đến nay mới có khoảng 2% trong tổng số hơn 2.500 chung cư cũ của cả nước (khoảng 100.000 hộ dân đang sinh sống), được cải tạo, xây dựng lại. Tại hai đô thị lớn nhất và cũng có nhiều chung cư cũ nhất, thành phố Hà Nội mới chỉ hoàn thành cải tạo, xây dựng lại 19 trong tổng số 1.579 chung cư cũ; còn thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành cải tạo, xây dựng lại 15 trong tổng số 575 chung cư cũ.

Nguyên nhân chủ yếu là do những bất cập từ cơ chế, chính sách dẫn đến khâu xây dựng kế hoạch, quy hoạch, lập dự án, giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ nhà tái định cư… gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt là thiếu những quy định cụ thể về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; việc tạo lập quỹ nhà tạm cư khi phá dỡ chung cư cũ… Những khó khăn đó khiến các doanh nghiệp đầu tư không mặn mà.

Khắc phục những bất cập mang tính “nút thắt” đó, ngày 15-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng nhà chung cư với nhiều quy định cụ thể, rõ ràng, trong đó đã phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho UBND cấp tỉnh. Nghị định này thật sự là bước đột phá trong cơ chế, tạo động lực mới cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, công việc cấp bách của các bộ, ngành liên quan là bám sát hành lang pháp lý - Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, để đôn đốc các địa phương trong việc tăng tốc triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; hướng dẫn cụ thể việc kiểm định, đánh giá các yếu tố để xác định chất lượng nhà chung cư. Bên cạnh đó, nghiên cứu sớm ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Đối với các địa phương, cần chỉ đạo quyết liệt công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn; xây dựng, triển khai các kế hoạch đồng bộ với các quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP. Cùng với đó, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng, hài hòa lợi ích giữa các chủ đầu tư và chủ sở hữu nhà chung cư cũ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những cơ chế, chính sách mới, thông tin đầy đủ, rõ ràng, kịp thời về các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư trước và trong khi triển khai thực hiện để người dân biết, nhằm tạo sự đồng thuận…

Về phía người dân, cần nắm chắc các quy định mới, tích cực hợp tác với chính quyền, chủ đầu tư trong việc di dời khỏi nhà chung cư nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá dỡ, giải phóng mặt bằng để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng.

Với “cú hích” là Nghị định số 69/2021/NĐ-CP và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và người dân, tin tưởng rằng, công tác triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sẽ bảo đảm tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.