(HNM) - Mặc dù đã đạt một số kết quả nhất định (3 nơi xảy ra bệnh dịch là các xã, phường Ngọc Thụy - quận Long Biên, Phú Thị - huyện Gia Lâm, Yên Sở - quận Hoàng Mai đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch) nhưng có thể thấy nỗ lực khống chế, ngăn chặn, xử lý dứt điểm bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn là nhiệm vụ chưa thể hoàn tất “một sớm một chiều”.
Thực tế, đây cũng là nhiệm vụ đặt ra với nhiều địa phương trên cả nước, trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến khó lường. Tác động trực tiếp, cụ thể nhất, với người chăn nuôi, với ngành Nông nghiệp đã ngay lập tức “lượng hóa” được, không chỉ với số vật nuôi phải tiêu hủy; kinh phí Nhà nước chi trả vệ sinh tiêu độc, khử trùng và hỗ trợ cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do bệnh dịch… Nhìn rộng hơn, bệnh Dịch tả lợn châu Phi còn có nguy cơ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, nhất là những ngành hàng liên quan hoặc chế biến sản phẩm từ thịt lợn. Đáng chú ý, hoạt động du lịch đã nhận được những thông điệp có tính cảnh báo như du khách cần tránh mang thịt lợn hoặc sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ thịt lợn nhập cảnh tại một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng, chống và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi, vì thế, là yêu cầu đặt ra không chỉ với thành phố Hà Nội nói riêng, mà còn với các địa phương đang có bệnh dịch nói chung cũng như toàn ngành Nông nghiệp. Khó khăn cố hữu, nội tại xuất phát từ chính đặc thù lĩnh vực chăn nuôi: Hình thức nông hộ, quy mô manh mún, nhỏ lẻ phổ biến… Điểm dễ thấy nhất là các biện pháp “thực hành chăn nuôi” đều thủ công, lạc hậu, thiên về kinh nghiệm cũng như thiếu thông tin về khoa học, công nghệ, đặc biệt là bệnh dịch và giải pháp ứng phó.
Trước hết, chính người chăn nuôi, nhất là những mô hình nông hộ nhỏ lẻ, cần bám sát khuyến cáo, tuân thủ hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, chính quyền sở tại về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ở đây, điểm đáng chú ý là yêu cầu chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi ngay từ hộ gia đình - một yêu cầu rất có ý nghĩa, nhất là với đặc thù chăn nuôi phân tán...
Thứ hai, với cơ quan hữu quan, cùng với việc hướng dẫn, giám sát kịp thời, cần xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, việc xem xét chi trả kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại, trên cơ sở các quy định của thành phố, cần được thực hiện kịp thời, bảo đảm người chăn nuôi - trong trường hợp phải tiêu hủy vật nuôi do bệnh Dịch tả lợn châu Phi - yên tâm sản xuất. Tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, bảo đảm để người chăn nuôi không vì “của đau, con xót” mà xuất bán sản phẩm vật nuôi nhiễm bệnh ra thị trường, dẫn tới nguy cơ bệnh dịch lây lan.
Theo đánh giá, trong thời gian tới, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến rất phức tạp. Để khống chế, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi nói riêng, giảm tác động tiêu cực từ các loại bệnh dịch trong chăn nuôi cũng như ngành Nông nghiệp nói chung, sản xuất theo hướng quy mô lớn, áp dụng khoa học - công nghệ cao chính là hướng đi tất yếu. Đương nhiên, đó cũng sẽ là chặng đường dài đòi hỏi thay đổi tập quán chăn nuôi, đầu tư vốn, công nghệ…
Đây chính là tầm nhìn xa, cách làm dài hơi để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với sản xuất, trước mắt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.