(HNM) - TP Hồ Chí Minh chủ động quán triệt đến các sở, ban, ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn nhằm thực hiện tốt Năm An toàn giao thông 2018 đề ra là “An toàn giao thông cho trẻ em”.
Lực lượng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh xử lý xe ô tô chở quá tải trọng.Ảnh: Hà Tuấn |
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP Hồ Chí Minh, giai đoạn cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, nhất là tai nạn giao thông đường bộ rất phức tạp. Cụ thể, từ ngày 16-11-2017 đến giữa tháng 2-2018, toàn thành phố xảy ra trên 210 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 200 người. So với cùng kỳ năm 2017, tăng 38 vụ (22%), tăng 53 người chết (35%). Trong đó, khung thời gian xảy ra tai nạn giao thông tập trung chủ yếu từ 20h đêm đến 2h sáng hôm sau.
Trước thực trạng trên, thực hiện Năm An toàn giao thông 2018, PC67 đã khẩn trương đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát đặc biệt xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông; tăng cường tuần tra khép kín địa bàn đảm trách 24/24 giờ; tiếp tục kiểm tra giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các phương tiện trọng tải lớn vi phạm khi ra vào trung tâm thành phố; bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa đấu tranh kéo giảm tai nạn giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông và tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng. Đặc biệt, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người tham gia giao thông nhằm chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Cùng với đó, thực hiện Năm An toàn giao thông 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”, PC67 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên vi phạm; đồng thời tuyên truyền đến học sinh và sinh viên tuân thủ nghiêm luật lệ khi tham gia giao thông.
Kết quả, chỉ sau thời gian ngắn, PC67 đã ghi nhận xử lý hàng chục nghìn lỗi vi phạm khi điều khiển phương tiện. Trong đó, lỗi đậu dừng xe không đúng quy định chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 9.000 trường hợp; tiếp đó là chạy xe quá tốc độ hơn 8.700 trường hợp; lưu thông đường cấm, giờ cấm hơn 6.000 trường hợp. Các lỗi như lưu thông không đúng phần đường, vượt đèn đỏ, điều khiển xe khi đã uống rượu bia, chở quá khổ, quá tải…, cũng có tới hàng nghìn phương tiện vi phạm trong quý I.
Với nỗ lực và giải pháp quyết liệt trên, đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, tình hình giao thông tương đối ổn định, công tác phối hợp giữa địa phương và các lực lượng chức năng diễn ra nhịp nhàng. Tình hình trật tự lòng, lề đường, vỉa hè có nhiều chuyển biến đáng kể với nhiều tuyến đường thông thoáng, mua bán lấn chiếm một số nơi đã được sắp xếp tương đối ổn định. Điều đáng ghi nhận là đã xóa được 4/37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, gồm: Xa lộ Hà Nội - Thảo Điền - Quốc Hương (quận 2); đường Lã Xuân Oai (quận 9); đường Quang Trung khu vực chợ Hóc Môn và khu vực cầu Ông Thìn (huyện Bình Chánh)...
Thời gian tới, ngành chức năng thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện giáo dục an toàn giao thông chính khóa cả 3 cấp học phổ thông gắn với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” của Năm An toàn giao thông 2018 mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề ra. Đồng thời, xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên, thiếu nhi, với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”; duy trì tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.