(HNM) - Mới đây, kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo nhất trí bổ sung 21 vụ án, 3 vụ việc xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Đây là quyết định kịp thời và rất cần thiết.
Các vụ án xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, sai phạm có hệ thống. Đến nay, công an các tỉnh, thành phố đã khởi tố gần 50 vụ án với gần 500 đối tượng của hơn 70 trung tâm đăng kiểm. Sai phạm được phát hiện khá giống nhau: Một là, nhũng nhiễu buộc chủ xe phải chi tiền khi đi đăng kiểm; hai là, nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi vi phạm theo quy định.
Tại Hà Nội, các cơ quan đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để đưa ra ánh sáng những vi phạm ở các trung tâm kiểm định xe cơ giới trên địa bàn. Tính đến nay, hơn 50% trung tâm trên địa bàn thành phố đã bị điều tra và đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Việc đưa 21 vụ án, 3 vụ việc xảy ra tại các trung tâm kiểm định xe cơ giới trên địa bàn vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định sự quyết liệt, ý chí quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc xử lý vi phạm xảy ra tại các trung tâm kiểm định xe cơ giới nói riêng và bảo đảm nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” nói chung. Trên cơ sở này, các vụ án, vụ việc sẽ được Ban Chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; qua đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, thúc đẩy tiến trình điều tra, truy tố, xét xử, xử lý... Trên hết, việc làm này còn nhằm đưa hoạt động đăng kiểm trở về đúng khuôn khổ, quy định của pháp luật, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Điều này có ý nghĩa quan trọng và rất thiết thực. Vì năm 2022, mặc dù giảm cả 3 tiêu chí, nhưng cả nước vẫn xảy ra 11.450 vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương hơn 14.000 người. Tại Hà Nội, con số này là 812 vụ tai nạn giao thông và hơn 980 người chết, bị thương. Năm 2023, chỉ trong 2 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 1.600 vụ tai nạn giao thông và hơn 2.100 người chết, bị thương.
Trong khi đó, số liệu thống kê từ Bộ Công an cho biết, các trung tâm kiểm định có vi phạm trên cả nước (chỉ tính trong khoảng thời gian được điều tra vừa qua) đã cấp hơn 52.000 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Những phương tiện chưa đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, nhưng vẫn có giấy tờ hợp pháp để lưu thông trên đường thì dễ hiểu vì sao nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc vẫn xảy ra. Đó là chưa kể, sự đồng lõa của các đăng kiểm viên với sai phạm về kiểm định vô hình trung ở mức độ nào đó đã làm “lây lan” tâm lý xem thường pháp luật, coi thường tính mạng của người dân trong một bộ phận không nhỏ chủ phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông.
Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam vào diện theo dõi. Nay cùng với việc Ban Chỉ đạo các địa phương, trong đó có Hà Nội đưa các vụ án, vụ việc liên quan đến kiểm định phương tiện vào diện theo dõi sẽ tạo nên sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất, quyết liệt từ trên xuống dưới. Điều này chắc chắn sẽ làm trong sạch hệ thống đăng kiểm cả nước, góp phần củng cố sự tôn nghiêm của pháp luật và đạo đức xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.