Cháu tôi được 16 tuổi 8 tháng thì bị bắt vì tội trộm cắp tài sản. Do không hiểu biết, gia đình đã không mời người bào chữa nên cơ quan công an chỉ định người bào chữa cho cháu. Tuy nhiên, hiện nay gia đình muốn thay đổi người bào chữa cho cháu thì có được không? Nguyễn Văn Bình (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Cháu tôi được 16 tuổi 8 tháng thì bị bắt vì tội trộm cắp tài sản. Do không hiểu biết, gia đình đã không mời người bào chữa nên cơ quan công an chỉ định người bào chữa cho cháu. Tuy nhiên, hiện nay gia đình muốn thay đổi người bào chữa cho cháu thì có được không?
Nguyễn Văn Bình (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622619 - 37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
- Căn cứ quy định tại Điều 57, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận, cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình: a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật Hình sự; b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b, khoản 2 điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Do đó, trong trường hợp bị can chưa thành niên, người đại diện hợp pháp của bị can không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ. Tuy nhiên, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Theo quy định tại điểm c 1, tiểu mục c, mục 3, phần II, Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP ngày 2-10-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì trước khi mở phiên tòa, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì người có yêu cầu phải làm văn bản, trong đó cần ghi rõ lý do yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp họ trực tiếp đến Tòa án yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì phải lập biên bản ghi rõ lý do của yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa và người có yêu cầu phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Văn bản về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa phải được lưu vào hồ sơ vụ án. Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa căn cứ vào khoản 2 và khoản 3, Điều 56 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, hướng dẫn tại mục 1, phần II của nghị quyết này để xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết, trong đó cần nêu rõ căn cứ của việc không chấp nhận. Nếu chấp nhận thì yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người khác bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận, cử bào chữa viên nhân dân khác bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.