(HNMCT) - 6h45 sáng, hàng phở gà ở gần nhà bắt đầu đón khách. Tốp đầu tiên là hai bà mẹ và hai cô con gái ở độ tuổi tiểu học. Các bé uể oải, ba lô đựng sách vở ở bên người, ăn xong là theo mẹ tới trường. “Sao chị cho cháu đi học sớm thế?” - bà chủ hàng phở hỏi một trong hai người mẹ. “Cháu ăn chậm lắm, mà bảy giờ bốn lăm đã vào tiết một rồi. Còn thời gian đi tới trường nữa chị ơi”.
Người mẹ nói trên còn một người con trai nữa. Cháu học lớp 7 ở quận Thanh Xuân, vào tiết học đầu tiên lúc 7h30 nhưng “cô giáo chủ nhiệm bảo bảy giờ là phải có mặt để cùng các bạn truy bài dưới sự chỉ huy của bạn tổ trưởng, rồi cả lớp xuống sân trường tập thể dục nữa”. “Đi tong” 30 phút thế nên phải dậy từ 6h, đi học sớm hơn em gái, chỉ có thể ăn nhanh ở nhà rồi tự đến trường. Muốn “cải thiện bữa sáng” thì phải chờ tới chủ nhật, bởi thứ bảy thì chàng trai nhỏ của chúng ta vẫn phải dậy sớm như ngày thường.
Từ trong hàng phở nhìn ra, khu sân rộng của tòa chung cư gần đó loáng thoáng 3 - 4 chiếc xe ô tô loại 16 chỗ được các nhà trường phái đến đón trẻ đi học. “Mấy đứa bé đó học trường tư, giờ vào học muộn hơn nhưng phải đi tám, chín cây số sang mạn Mỹ Đình nên vẫn phải dậy sớm. Đi muộn thì tắc đường. Trẻ con bây giờ chẳng sung sướng gì, suốt tuần chỉ thấy học, học, học” - bà chủ quán chép miệng nói...
Đó chỉ là một trong những hiện tượng dễ thấy trong cuộc sống thường nhật. Cách nay vài năm, tại thành phố Hồ Chí Minh, một nhóm học sinh thực hiện cuộc khảo sát về tình trạng trẻ đến lớp trong tình trạng thiếu ngủ. Đối tượng khảo sát là hơn 7.000 học sinh trung học phổ thông. Kết quả cho thấy gần một nửa trong số được hỏi nói rằng mình không ngủ trưa; hơn 80% ngủ dưới 7 giờ/ngày; hơn 13% ngủ dưới 5 giờ/ngày, gần 40% đi ngủ trong khoảng 23h đến 0h; 20,7% đi ngủ sau 0h và chỉ có 8,6% ngủ trước 22h hằng ngày...
Số liệu khảo sát chỉ mang tính đại diện, nhưng những gì đang diễn ra trong thực tế cho thấy rất nhiều trẻ em ở Việt Nam ngủ không đủ số giờ cần thiết cho sự phát triển lành mạnh về thể chất và trí tuệ. Ở các khu phố, các chung cư, không phải gia đình nào cũng duy trì được “lịch ngủ” cho con sớm hơn 22h hằng ngày. Trong khi đó, theo lịch học tại các trường phổ thông ở ta, đa số bắt đầu ngày học tập chính khóa trong khoảng 7h30 - 8h. Đó là điều đáng lo, bởi theo khuyến cáo của các chuyên gia tâm lý học giáo dục, chuyên gia y tế, học sinh trong độ tuổi từ 12 - 18 cần ngủ 8 - 9 giờ/ngày; trẻ dưới 12 tuổi cần được ngủ nhiều hơn, số giờ ngủ tối ưu là 10 - 11 giờ mỗi ngày.
Chúng ta có thể chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc học sinh nói riêng và trẻ em nói chung thiếu ngủ. Trẻ ngủ muộn do không có không gian riêng yên tĩnh; phải chịu áp lực học hành quá lớn; mải chơi; ảnh hưởng từ hàng xóm; người lớn không quan tâm nhắc nhở trẻ đi ngủ sớm, thậm chí thường xuyên thúc giục con học dù đã quá giờ ngủ của trẻ... Trong số đó, áp lực học hành và việc áp dụng giờ vào học khá sớm là nguyên nhân thường được nhắc tới bởi hai yếu tố này có sức chi phối mạnh mẽ đến thói quen sinh hoạt, ngủ nghỉ của cả phụ huynh và học sinh, bất kể là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo hay các lớp lớn.
Trẻ nhỏ thiếu ngủ ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển về trí tuệ và thể chất, là nỗi lo lớn của xã hội, liên quan tới sức khỏe giống nòi và tương lai của đất nước. Cho dù vì nguyên nhân gì thì sự thiếu hụt đó cũng liên quan tới trách nhiệm của người lớn. Trước đây, vấn đề thay đổi giờ học hằng ngày, giảm gánh nặng học hành, “chữa bệnh” ganh đua về thành tích học tập của con trẻ giữa các phụ huynh học sinh, giữa các nhà trường, giữa các lớp trong cùng một khối... đã được đề cập, nhưng không dẫn tới sự thay đổi cần thiết. Sự hạn chế liên quan tới nhận thức của người lớn về vấn đề này, chẳng hạn như khi nói về sự cần thiết phải cho trẻ tới trường muộn hơn, lý do mà phía phản đối phương án này đưa ra bao gồm “ảnh hưởng tới việc học thêm”, “không đủ thời gian làm bài tập về nhà nên trẻ sẽ phải ngủ muộn”, “bố mẹ không kịp đi làm”... Đó là cách giải thích thiếu thuyết phục nếu chúng ta xác định việc tìm cách giúp trẻ ngủ đủ là ưu tiên hàng đầu.
Trẻ em có quyền được tới trường, được vui chơi, được ăn ngon, mặc sạch. Nhưng chúng cũng có quyền được ngủ đủ, ngủ đúng giờ. Quyền ấy, càng ngày càng có cảm giác như đã bị quá nhiều người lớn coi là thứ yếu so với những chuyện ăn, học, chơi. Chúng ta cần thay đổi cách hiểu đó để có hành động phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.