(HNM) - Việc nhiều gia đình ở huyện Mê Linh ngăn cản không cho con em đến trường nhằm gây sức ép với chính quyền địa phương đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được giáo dục, học tập của các em học sinh. Nhiều người cho rằng, theo quy định của pháp luật nước ta, quyền được đi học của trẻ là bất khả xâm phạm nên những hành vi trên cần được chấm dứt.
Xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi lôi kéo
Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết, liên tục từ ngày 14-11 đến nay, tình hình tổ chức dạy và học tại một số trường học trên địa bàn hai xã Thanh Lâm và Tam Đồng của huyện bị xáo trộn nặng nề.
Trong đó, 6 trường xảy ra tình trạng nhiều học sinh nghỉ học là: Mầm non Tam Đồng, Tiểu học Tam Đồng, Trung học cơ sở Tam Đồng (xã Tam Đồng), Mầm non Thanh Lâm A, Tiểu học Thanh Lâm A, Trung học cơ sở Thanh Lâm (xã Thanh Lâm). Ngày 29-11, xã Thanh Lâm còn 824/2.447 học sinh nghỉ học và xã Tam Đồng còn 1.400/1.609 học sinh nghỉ học.
Trước sự việc trên, dư luận cho rằng, cách xử lý của nhiều phụ huynh ở huyện Mê Linh là chưa chuẩn mực, khiến học sinh trở thành đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bà Nguyễn Thị Xuân, Khu chung cư N4, ngõ 34 phố Vạn Bảo, phường Liễu Giai, quận Ba Đình bày tỏ: "Là một phụ huynh học sinh, tôi không đồng tình với hành vi xúi giục, ngăn cấm trẻ đến trường của một bộ phận cha mẹ học sinh tại huyện Mê Linh. Nếu các hộ dân ở huyện Mê Linh không đồng thuận với việc triển khai dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước thì có thể thông qua nhiều kênh khác nhau để thể hiện quan điểm, chính kiến nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Việc ngăn cấm con cái không được đến trường và dùng chính con cái làm “bình phong” để gây sức ép với chính quyền địa phương là cách ứng xử đáng lên án. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi lôi kéo, xúi giục, gây rối trật tự an ninh, đồng thời vận động, giải thích để các bậc phụ huynh có nhận thức đúng".
Phân tích sự việc dưới góc độ pháp luật, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hành vi ngăn cản không cho trẻ đến trường đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền trẻ em, cụ thể ở đây là quyền được học tập và được giáo dục trong trường học.
"Hiến pháp năm 2013 có quy định ở Điều 37 là “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”. Luật Trẻ em, Luật Giáo dục cũng đã có quy định rõ ràng về quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu của trẻ em… Theo quy định của pháp luật nước ta, quyền được đi học của trẻ là bất khả xâm phạm. Mọi hành vi ngăn cản quyền học tập, vui chơi hoặc quyền khác của trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Các cá nhân, tổ chức hoặc bất kỳ người nào có hành vi ngăn cản quyền được đến trường của trẻ, tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng", luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, sự việc không liên quan đến trẻ em nhưng một số người lại lấy trẻ em ra để gây sức ép với chính quyền địa phương. Như vậy, hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam trong nuôi dạy con cái.
Cần bảo đảm đời sống an sinh cho người dân
Theo chị Nguyễn Thu Trang, phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, sự việc học sinh nghỉ học bất thường trong những ngày qua ở huyện Mê Linh thật sự rất đáng tiếc và cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Để phản đối triển khai dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước, một số thành phần quá khích lôi kéo, xúi giục, gây rối an ninh trật tự nên nhiều cha mẹ đã bị lợi dụng, không cho con đến trường.
Tuy nhiên, khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhiều phụ huynh đã đưa con em trở lại học bình thường. Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý các đối tượng kích động, ngăn cản phụ huynh đưa con em đến trường. Đó là việc làm cần thiết, thể hiện trách nhiệm bảo đảm đời sống an sinh cho người dân, cho các em học sinh.
Còn theo cô giáo Bùi Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm), việc nhiều phụ huynh không cho con em đi học có thể gây ảnh hưởng tiêu cực về tinh thần, gây tâm lý lo lắng cho các em khi không được đến trường, không học được kiến thức mới, phải học bù sau những ngày nghỉ học không phép.
Đặc biệt, có thể gây ra sự bất ổn tâm lý, phát sinh những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc về chủ trương, đường lối chính sách, bộ máy chính quyền địa phương nói chung và cuộc sống, cách hành xử, ứng xử của gia đình trẻ em nói riêng…
Nhà trường, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp cần tích cực vận động, tuyên truyền để phụ huynh nhận thức đúng về quy định của pháp luật, về trách nhiệm của mình với con cái. Đồng thời, phải tạo điều kiện cho các em thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập, để các em tiếp tục đến trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.