Ngày 26-4, Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Siêu tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025. Điểm nhấn của ngày hội là chung kết cuộc thi "Nhân vật trong sách bước ra cuộc đời".
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh vai trò của sách và chia sẻ, thế hệ học sinh hôm nay là thế hệ tiếp đuốc của cha anh trong lịch sử, là “thế hệ vàng” kiến tạo tương lai bằng ánh sáng của tri thức, niềm tin và sự tự tôn dân tộc. Sách sẽ là kho báu giúp học sinh nuôi dưỡng hiện tại và xây đắp tương lai để đất nước.
“Cô hy vọng rằng chúng ta sẽ có thời gian thú vị, kỉ niệm đáng nhớ khi cùng nhau đọc sách, đổi sách, giới thiệu sách, đố vui cùng sách, chứng kiến nhân vật bước ra từ trang sách, chia sẻ suy nghĩ, kết nối cảm xúc và trải nghiệm không gian học tập sáng tạo. Mỗi một khoảnh khắc đều đang góp phần tạo nên một cộng đồng Nguyễn Siêu văn minh, nhân ái và trí tuệ. Đọc sách mọi lúc, mọi nơi mà ta có thể” - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ; đồng thời cũng nhắc nhở: “Văn hóa đọc trong “thế giới phẳng” được hỗ trợ rất nhiều bởi công nghệ, AI, vì thế chúng ta không chỉ nuôi dưỡng niềm đam mê đọc mà còn phải trở thành một người đọc thông minh”…
Một trong những chứng nhân đi qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, chính là Đại tá, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh, người sáng lập trường Nguyễn Siêu, cũng có mặt trong khoảnh khắc đầy xúc động của toàn trường hướng về ngày hội non sông thống nhất.
Trong khuôn khổ talkshow “AI và Văn hóa đọc” diễn ra tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc, học sinh Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Siêu đã có những chia sẻ cởi mở và thẳng thắn về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập.
Khi được hỏi, nhiều học sinh cho biết đã từng sử dụng các công cụ như ChatGPT, Gemini... để hỗ trợ tra cứu thông tin về tác giả, nội dung sách, hoặc thảo luận cùng chatbot về nội dung đã đọc. Một số bạn thừa nhận, trong quá trình học tập, đôi khi gặp bài khó chưa giải được, các bạn đã tìm đến công cụ AI như một “người bạn đồng hành”.
Điều đáng mừng là các em có nhận thức rõ ràng về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng AI. Các em hiểu rằng việc lạm dụng có thể dẫn đến thụ động, lệ thuộc, tiếp nhận thông tin sai lệch nếu không đủ năng lực phản biện. Quan trọng hơn, học sinh khẳng định: AI có thể hỗ trợ tư duy, chứ không thể thay thế tư duy.
Từ góc độ quản lý giáo dục, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ: “Chúng ta không thể cấm học sinh sử dụng AI, nhưng chúng ta có thể, và cần giáo dục để các em biết sử dụng AI thông minh, có trách nhiệm và đúng mục đích. Đó cũng là cơ hội để rèn luyện năng lực tư duy phản biện, quản trị cảm xúc và khả năng tự chủ - những phẩm chất mà chỉ có môi trường giáo dục mới bồi đắp được”.
Tại Nguyễn Siêu, nhà trường hướng tới việc biến AI thành người bạn đồng hành, không phải người làm hộ. AI không thay thế sự sáng tạo, cảm xúc và bản lĩnh. Chỉ khi học sinh vững kiến thức nền, đặt câu hỏi đúng, biết chọn lọc thông tin và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, thì trí tuệ nhân tạo mới phát huy đúng vai trò.
Dưới đây là một số hình ảnh diễn ra tại Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Siêu:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.