(HNMO) - Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn về các đơn vị để kiểm tra công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới. Qua đó, ta có thể thấy rõ quyền kiểm tra, giám sát của cử tri ngay từ hội nghị tiếp xúc lấy ý kiến để lựa chọn các ứng cử viên vào Quốc hội.
Tính đến ngày 9/4/2016, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức đến hàng chục đoàn thực hiện chương trình kiểm tra của mình. Nội dung kiểm tra là quán triệt việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Hầu hết các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy hoặc Ủy viên Thường vụ Thành ủy nắm giữ trách nhiệm trưởng đoàn kiểm tra. Đối với công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, qua kiểm tra cho thấy việc tổ chức bầu cử tại các đơn vị hầu hết thực hiện đúng luật, bảo đảm việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác hiệp thương giai đoạn 3 sắp tới.
Có thể nói việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri rất quan trọng vì nó liên quan đến việc kiểm tra giám sát lựa chọn ứng cử viên cũng như cung cấp thêm thông tin giúp các cử tri quyết định bỏ phiếu bầu cho ai. Theo báo cáo từ một số địa phương, các hội nghị tuy diễn ra trong không khí dân chủ, đúng luật nhưng cũng chỉ có từ 4 đến 12 ý kiến trên khoảng 80 cử tri tham dự hội nghị. Tiếp xúc hỏi một số cử tri mới hay vẫn còn có người coi nhẹ việc tham gia góp ý kiến như thế này, họ nói không biết phát biểu như thế nào, về vấn đề gì?
Một số cử tri đi họp nhưng lại không quan tâm nhiều tới nội dung nên khi được hỏi lại chỉ trả lời chung chung hoặc không biết.
Ngược lại, đa số cử tri lại rất chú ý đến tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu. Nhiều người cho rằng cần để các ứng cử viên thể hiện rõ chương trình hành động của mình nếu họ trúng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND các cấp, nhất là cách thức giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo hoặc các vấn đề bức xúc xảy ra tại khu vực họ làm đại biểu…
Một số cử tri cũng đề xuất nên dán, phát chương trình hành động của từng ứng cử viên ĐBQH, HĐND cho cử tri trong đơn vị bầu cử. Làm như vậy vừa có thêm thông tin cho cử tri lúc bỏ phiếu, vừa là căn cứ để đối chiếu xem người đại biểu đại diện cho mình có giữ lời sau khi trúng cử không.
Hơn nữa những thông tin như vậy cũng giúp cho cử tri mạnh dạn đóng góp, bổ sung ý kiến cho các ứng cử viên, tạo nên sự đồng thuận giữa các cử tri với các ứng cử viên. Và đó cũng chính là cách phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân thông qua đại biểu của mình. Thực tế việc trực tiếp gặp gỡ các ứng cử viên qua tiếp xúc lấy ý kiến hay tiếp xúc với đại biểu QH sau khi trúng cử tại những hội nghị như trên là kênh giám sát quan trọng thể hiện sự dân chủ mà các cử tri cần phát huy sử dụng. Ngoài ra còn có các kênh khác như các buổi tiếp công dân; hoặc gián tiếp qua email, mạng internet, đơn thư. Đáng tiếc một số cử tri đã không sử dụng triệt để quyền này của mình để yêu cầu đại biểu giải thích hoặc đề đạt kiến nghị của mình.
Tất nhiên muốn làm được như vậy, ngoài sự đổi mới phương thức vận động nhân dân theo hướng thiết thực hiệu quả của MTTQ thành phố Hà Nội thì các cử tri cũng cần phát huy trách nhiệm của người công dân để nắm bắt, lựa chọn người xứng đáng nhất bầu vào các cơ quan dân cử… Như lời một cử tri tâm sự, bầu ai hãy nhớ tên, nhớ mặt người đại biểu đó, bởi đó là người chịu trách nhiệm trước bản thân bạn, trước những cử tri đã bỏ phiếu bầu cho họ. Nhớ để rồi đối chiếu với chương trình hành động của đại biểu đó, theo dõi, giám sát xem mỗi đại biểu QH, đại biểu Hội đồng nhân dân nhận lá phiếu từ mình đã nói gì, làm gì, biểu quyết ra sao vì quyền lợi của cử tri, lợi ích của quốc gia, của xã hội.
Về công tác bầu cử sắp tới, sau khi hoàn thành các bước lấy ý kiến qua các hội nghị cử tri là công tác hiệp thương lần thứ 3, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu QH. Thành ủy Hà Nội, qua các trưởng đoàn kiểm tra đã luôn nhắc nhở các đơn vị, địa phương từ nay đến ngày 22/5/2016, cần quan tâm chú ý tới công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân thực hiện tốt công tác bầu cử. Đồng chí Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp Thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và Thủ đô, là dịp để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.