Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền công tố được thực hiện ngay từ đầu sẽ hạn chế oan sai

Vân An| 27/10/2014 16:40

(HNMO) - Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội, chức năng công tố của VKSND phải được thực hành ngay từ khi có tin báo tố giác tội phạm và khi có tội phạm xảy ra bởi hiện nay, oan sai, bức cung, nhục hình thường xảy ra trong giai đoạn tiền công tố.

Các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được trình lần này đã tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu, làm rõ và phân định chức năng thực hành quyền công tố, cụ thể hóa được các quan điểm của Hiến pháp sửa đổi về kiểm sát quyền lực trong hoạt động tư pháp, tăng cường trách nhiệm và phạm vi của hoạt động kiểm sát điều tra; bỏ chế định VKSND khu vực, giữ nguyên cơ cấu tổ chức như hiện nay…

Về chức năng thực hành quyền công tố của VKSND, các đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật vì đã làm rõ khái niệm, nội dung các thẩm quyền của VKSND khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố; tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn nữa phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của VKSND.

Theo đại biểu Lê Nam – Thanh Hóa, chức năng công tố và kiểm sát của VKSND trong dự luật còn nêu chung, chưa thấy quy định rõ trách nhiệm Viện trưởng và các kiểm sát viên trong thực hiện các chức năng này.

“Theo tôi, luật nên giao Viện trưởng VKSND thẩm quyền khởi tố một số loại án hình sự đặc biệt về tham nhũng và các loại tội phạm khác. Quyền khởi tố giao cho viện trưởng không nhiều nên cũng không lo trùng lắp với các cơ quan điều tra khác”, đại biểu Nam nói.

Một số đại biểu cũng băn khoăn với quy định VKSND thực hành quyền công tố. Việc VKSND thực hiện quyền này “ngay từ khi có hành vi tội phạm xảy ra” hay “ngay từ khi Cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm”… còn gây nhiều tranh luận trong các đại biểu.

Theo đại biểu Trần Đình Sơn – Đắc Lắk, việc xác định phạm vi thực hành quyền công tố của VKSND là rất quan trọng, nếu để VKSND tham gia ngay từ khi có tội phạm xảy ra là đúng với chức năng của VKSND, phù hợp với mục tiêu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

“Ngay trong giai đoạn đầu, nếu VKSND có quyền yêu cầu khám xét, bắt giữ, thu thập dấu vết, chứng cứ… thì sẽ tạo thuận lợi cho các giai đoạn sau của vụ án, còn nếu VKSND chỉ tham gia từ khi có đề nghị khởi tố vụ án hoặc từ giai đoạn điều tra tin báo tố giác tội phạm thì dễ xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm”, đại biểu Sơn nói.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP. Hồ Chí Minh cũng nhất trí việc thực hành quyền công tố của VKSND phải được tiến hành ngay từ khi có tin báo tố giác tội phạm hoặc từ khi có dấu hiệu xảy ra tội phạm. Bởi trong một số trường hợp, nhiều tội phạm xảy ra nhưng không có tin báo tố giác tội phạm do người biết thông tin sợ không dám tố giác, trong các vụ án giết người…

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội cho rằng, VKSND không chỉ thực hành quyền công tố mà còn kiểm soát hoạt động tư pháp, đây là nội dung quan trọng làm cơ sở cho quy định về quyền tố tụng. Chính vì vậy, chức năng công tố của VKSND phải được thực hành ngay từ khi có tin báo tố giác tội phạm và khi có tội phạm xảy ra.

Theo đại biểu Quyền, giai đoạn xử lý tin báo thường là trinh sát điều tra, mà theo quy định hiện hành thì không phải là hoạt động tư pháp, trong khi oan sai, bức cung, nhục hình lại thường xảy ra trong giai đoạn tiền công tố này. Đại biểu Quyền nhất trí, trong trường hợp cần thiết, VKSND có quyền xử lý trực tiếp các tin báo tố giác tội phạm bởi với thiết chế hiện nay, nếu có hiện tượng bỏ lọt tội phạm thì VKSND cũng không thể biết được.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng lưu ý, luật pháp như một tấm vải, có tấm vải đẹp không đồng nghĩa với có ngay một bộ quần áo đẹp, mà phải do người cắt may, thi hành luật pháp.

“Nếu chúng ta làm luật tốt nhưng đội ngũ kiểm sát viên không được đào tạo tốt, không có tâm trong sáng thì vẫn còn oan sai”, đại biểu Thuyền nói.

Về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn khái niệm, phạm vi, trách nhiệm, nội dung các thẩm quyền của VKSND khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.

Về thẩm quyền khởi tố các vụ án dân sự của VKSND, các đại biểu tán thành cao với cơ chế này vì đây là cách để VKS bảo vệ tài sản công, quyền và lợi ích của các đối tượng yếu thế.

“Cơ chế giao thẩm quyền khởi tố các vụ án dân sự cho VKS sẽ giúp bảo vệ lợi ích, tài sản của Nhà nước khi một số doanh nghiệp nhà nước vì nhiều lý do khác nhau không khởi kiện ra tòa để bảo vệ các tài sản được giao quản lý”, đại biểu Hà Công Long – Gia Lai nói.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng nhất trí phải giao lại thẩm quyền cho VKSND khởi tố các vụ án dân sự. Theo phân tích của ông, nguyên tắc “việc dân sự cốt ở các bên” mà hiện nay chúng ta đang áp dụng hoàn toàn không phù hợp trong trường hợp các bên dân sự là doanh nghiệp Nhà nước.

“Nếu chúng ta giao VKSND quyền khởi tố để bảo vệ lợi ích chung thì chúng ta đã không mất 4.000 tỷ đồng trong vụ án Huyền Như, bởi việc dân sự liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước thường là “cha chung không ai khóc”, đại biểu Quyền nói.

Trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi); thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đáng chú ý, khi thảo luận về dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát lại một lần nữa quy định về tòa án thực hiện quyền xét xử và thực hiện quyền tư pháp để đảm bảo phù hợp với quy định Hiến pháp mới là Tòa án nhân dân thực hiện quyền xét xử về tư pháp. Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn, quyền tự điều tra của tòa án và việc hiểu quyền đề nghị bổ sung chứng cứ, triệu tập nhân chứng, tài liệu tại phiên tòa nên như thế nào, vì đây là hai vấn đề rất khác nhau. Nếu giao cho tòa án tự mình điều tra, sau đó tự mình xét xử thì có bảo đảm tính nguyên tắc phân công phối hợp và kiểm soát bảo đảm tính độc lập của tư pháp hay không? 

Về mô hình tổ chức Tòa án nhân dân, các đại biểu cũng tán thành với dự thảo luật là có Tòa án nhân dân tối cao,Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân cấp huyện giữ như hiện nay và các Tòa án quân sự.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyền công tố được thực hiện ngay từ đầu sẽ hạn chế oan sai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.