(HNM) - Quá trình đô thị hóa tại thành phố Hà Nội với tốc độ cao đã và đang làm thay đổi diện mạo kiến trúc, cảnh quan nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý kiến trúc cảnh quan tại các huyện ngoại thành lâu nay lại đang bị bỏ ngỏ. Do đó, cần sớm có những giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan cho khu vực này, hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô phát triển bền vững và định hướng đổi mới sáng tạo.
Cấu trúc làng, xã bị phá vỡ, mai một
Đánh giá về những tác động của quá trình đô thị hóa tại khu vực ngoại thành Hà Nội, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn kiến trúc cảnh quan (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ, đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian qua đã góp phần hình thành những cấu trúc không gian mới tại khu vực ngoại thành, như các khu, cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, đặc biệt là các khu đô thị mới ở vùng ven đô... Thế nhưng, quá trình này cũng đã tác động mạnh tới cảnh quan vùng nông thôn. Cấu trúc không gian bị biến đổi nhanh và không có khả năng kiểm soát. Nhiều nhà tầng, “nhà lô” dần thay thế nhà truyền thống, tạo hình ảnh pha tạp, lộn xộn.
Ông Phạm Anh Tuấn dẫn ra ví dụ cụ thể tại làng Đông La (huyện Hoài Đức). Ở đây, những căn nhà mái ngói truyền thống đã và đang dần bị thay thế bởi hình thái kiến trúc nhà nhiều tầng. Trên các tuyến đường trung tâm làng, hàng loạt nhà nhiều tầng xuất hiện dẫn đến sự chắp vá và giảm chất lượng về không gian cảnh quan.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Ủy viên Thường vụ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng đồng thuận khi cho rằng, trong quá trình phát triển, nhiều làng, xã đã và đang bị mất bản sắc truyền thống vốn có. Nhiều làng, xã trở thành “phố làng”, nhiều khu đô thị mi ni trong lòng nông thôn khiến nhiều nơi bị đô thị hóa một cách khiên cưỡng...
Đặc biệt, với các huyện chuẩn bị lên quận, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, tốc độ đô thị hóa của các xã nông thôn diễn ra rất nhanh với hàng trăm dự án; trong khi chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng. Luật Xây dựng 2014 quy định nhà ở riêng lẻ tại nông thôn được miễn giấy phép xây dựng, vì vậy tình trạng xây dựng tự phát phổ biến. Cấu trúc làng, xã và kiến trúc truyền thống vùng nông thôn ngày càng bị phá vỡ, mai một...
Đánh giá thực trạng quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại huyện Quốc Oai, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Lê Hải Đăng chia sẻ: Việc thiếu các công cụ về quy hoạch, quy chế, quy định quản lý khiến bộ mặt nông thôn biến đổi theo xu hướng “đô thị hóa” một cách tùy tiện.
Sớm có giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố dành 30% diện tích đất để phát triển đô thị. Đến nay, thành phố mới phát triển đô thị tương đương khoảng 50% quỹ đất này. Do đó, Ủy viên Thường vụ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Lê Thị Bích Thuận cho rằng, cần dự báo trước sự phát triển để đưa ra các giải pháp quy hoạch và định hướng cho việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, tránh làm mất đi những giá trị di sản, bản sắc kiến trúc cảnh quan hiện có.
Theo đó, bà Lê Thị Bích Thuận đề xuất: Tại các làng, xã theo quy hoạch trở thành phường cần có định hướng thay đổi cách quản lý để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa trong thời gian gần; đồng thời, lựa chọn các giải pháp tạo không gian cảnh quan xanh - sạch - đẹp, bảo tồn giá trị truyền thống làng, xã, tránh tổ chức không gian cảnh quan theo kiểu mô phỏng hoàn toàn hình thái đô thị.
Khẳng định đô thị hóa là quá trình tất yếu, song điều cần quan tâm là phải bảo đảm yếu tố bền vững, tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn kiến trúc cảnh quan (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) góp ý một số nguyên tắc thiết kế kiến trúc cảnh quan tại các huyện. Đó là khai thác giá trị bản địa, giá trị đặc trưng gắn với yếu tố địa hình, hệ thống thủy văn, góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hình thành các không gian đặc trưng và phát huy giá trị của các yếu tố này; bảo tồn nguyên trạng các công trình có giá trị; khai thác không gian sản xuất nông nghiệp thành những không gian cảnh quan hấp dẫn, kết hợp với phát triển dịch vụ, du lịch.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn thì cho rằng, cần phân các khu vực nông thôn khác nhau dựa trên điều kiện tự nhiên (đồng bằng, trung du, miền núi) hay đặc tính (khu vực ngoại thành quá độ sẽ trở thành đô thị theo quy hoạch và khu vực nông thôn ổn định) để có những tiêu chí, giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan riêng cho từng khu vực.
Thừa nhận thực tế trong thời gian qua mảng quy hoạch và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn của Hà Nội còn chưa được quan tâm đúng mức; nhất là việc chuyển hóa từ nông thôn lên đô thị cũng như sự gắn kết giữa đô thị - nông thôn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết: Sở đang nghiên cứu, đề xuất, định hướng các giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện của thành phố trong thời gian tới. "Khu vực nông thôn sẽ được xây dựng khung kiến trúc, bảo đảm giữ gìn bản sắc, cảnh quan, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững", ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.