Sau khi thành phố phê duyệt 14 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện, các huyện trên địa bàn Hà Nội đang gấp rút triển khai các công việc liên quan, hoàn thiện nguồn tài liệu quan trọng phục vụ lập và điều chỉnh các đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô hiện nay.
Phê duyệt toàn bộ nhiệm vụ lập quy hoạch vùng huyện
Theo Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch xây dựng vùng huyện là một trong những phương án quy hoạch để tích hợp lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời là cơ sở để lập quy hoạch nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật huyện.
Ngày 14-5-2021, UBND thành phố Hà Nội có văn bản về việc triển khai quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn thành phố tại 14 huyện gồm Gia Lâm, Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng.
Báo cáo tại kỳ họp thứ mười hai HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, thành phố đã phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nâng tổng số nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14. Các huyện đều đang khẩn trương lập quy hoạch để dự kiến trình phê duyệt trong tháng 10-2023.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng vùng huyện là tổ chức hệ thống đô thị nông thôn, khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong từng thời kỳ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh nhấn mạnh vấn đề kết nối, tích hợp trong xây dựng các quy hoạch vùng huyện, đặc biệt lưu ý đến phương án định hướng phát triển huyện để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Các đồ án quy hoạch cần được thực hiện với tư duy, quan điểm mở rộng, đặt trong tổng thể phát triển Thủ đô và kết nối với các vùng xung quanh, có sự so sánh với các địa phương lân cận để có sự kết nối, hợp tác trong tương lai… “Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch. Các huyện cần tập trung rà soát, đánh giá thực trạng và phương hướng phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng phát triển. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện để hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp thực hiện các quy hoạch vùng huyện đúng nội dung, đúng định hướng quy hoạch của thành phố”, ông Lê Ngọc Anh nêu thêm.
Còn theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực, các huyện vẫn có thể dựa vào những quy hoạch có trước đây để bổ sung và phát triển thêm. Quy hoạch vùng huyện này sẽ là cơ hội để đưa ra những đề xuất xác đáng với thành phố cho định hướng phát triển. Quá trình thực hiện lưu ý lộ trình triển khai thực hiện, xác định lĩnh vực tập trung phát triển dựa trên tiềm năng sẵn có chứ không dàn trải để bảo vệ môi trường và những nền tảng, giá trị sẵn có của địa phương.
Khẩn trương lập quy hoạch
Để đẩy nhanh khối lượng lớn công việc cần thực hiện, nhiều huyện đã chủ động cùng đơn vị tư vấn hoàn thành phương án đề xuất xây dựng quy hoạch vùng huyện cũng như xin ý kiến các chuyên gia.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ, UBND huyện Mê Linh đã phối hợp chặt chẽ với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đơn vị tư vấn, kế thừa những quan điểm định hướng phát triển còn phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời bổ sung, phát triển những vấn đề mới trên cơ sở bám sát chủ trương của Trung ương, thành phố.
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh định hướng sự phát triển huyện gắn với sự phát triển của Thủ đô theo hướng là một phần của thành phố mới tương lai và trở thành quận sau năm 2025 theo kế hoạch được UBND thành phố phê duyệt.
Trong tháng 5 vừa qua, huyện Sóc Sơn cũng đã giới thiệu một số ý tưởng về quy hoạch vùng huyện trong mục tiêu hướng tới từng bước hình thành đô thị trung tâm phía Bắc Thủ đô. Theo nhiệm vụ được thành phố phê duyệt, trước mắt đến năm 2030, Sóc Sơn được định hướng ưu tiên phát triển các ngành thương mại - du lịch, công nghiệp, du lịch, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp sinh thái. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ xác định các tính chất, chức năng phù hợp để phát triển cùng các huyện Đông Anh, Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội.
Còn huyện Thanh Oai, nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố, có phần lớn diện tích đất nông nghiệp, dự kiến sẽ là vùng nông nghiệp sinh thái năng suất cao, có vị trí đầu mối giao thương cửa ngõ phía Tây Nam, đồng thời là địa bàn cung cấp những sản phẩm nông nghiệp cho đô thị trung tâm...
Đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai cho biết, huyện đã hoàn thiện các bước đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch. UBND huyện chỉ đạo tháo gỡ kịp thời mọi khó khăn nhằm hoàn thành đồ án Quy hoạch vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất.
Năm 2023, thành phố thực hiện đồng thời lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là nền tảng triển khai các quy hoạch cấp dưới, và tác động mạnh tới các quy hoạch phân khu khu vực nội đô cũng như quy hoạch các vùng huyện.
“Thời gian tới, việc triển khai quy hoạch các vùng huyện phải bảo đảm tiến độ và chất lượng để ngay khi các đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô được thông qua, thành phố có đầy đủ công cụ quản lý”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.