Định mệnh của rất nhiều đô thị gắn với những dòng sông, Thăng Long - Hà Nội là một thành phố như vậy! Hơn ngàn năm thăng trầm lịch sử cùng dòng chảy sông Hồng, đất “định đô của muôn đời” lắng hạt phù sa kết tinh những giá trị sáng tạo và tâm hồn người dân nước Việt, để khẳng định vị thế Kinh đô - Thủ đô không nơi nào có được. Hiện thực hóa khát vọng Thăng Long, Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cùng tầm nhìn mới đã tạo ra một không gian cân bằng với những nguồn lực mới cho Thăng Long - Hà Nội.
Trong muôn nẻo câu chuyện liên quan đến dòng sông Mẹ, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nói về những quãng thời gian sông Hồng bao bọc kinh thành và là mạch giao thông quan trọng nhất - “mặt tiền” của thành phố giao thương như một nỗi niềm trăn trở.
Những ngày ở châu Âu, tôi chúng tôi đã dành quãng thời gian nhiều nhất có thể để đến với những thành phố bên sông, với những cây cầu nối đôi bờ huyền diệu như cầu Charles - còn có tên là Karluv trên sông Vltava của “thành phố vàng của châu Âu”- Praha; cầu Xích - cầu Sư Tử trên “dòng Danube xanh” của thành phố Budapest - “Pais phương Đông”… Và khi đến với dòng sông Seine chảy giữa Paris hoa lệ chia Thủ đô nước Pháp thành đôi bờ nam - bắc, chúng tôi mới hiểu vì sao nơi này có tên trong Danh mục Di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO năm 1991.
Những người Pháp đầu tiên đặt chân đến Paris bắt đầu khai phá đảo Cite nằm giữa con sông huyền thoại và đã sớm nhận ra cái lợi thế của đôi bờ. Người Paris coi sông Seine là “mặt tiền” của tạo hóa ban tặng cho những cuộc kiến tạo kinh đô. Những công trình kiến trúc nguy nga nối thời gian soi bóng xuống dòng sông, những cây cầu lộng lẫy nối đôi bờ nam bắc… biến Paris thành viên ngọc lung linh. Giờ đây trong mắt nhiều người, Seine là dòng sông lãng mạn nhất thế giới và cũng vì thế, mỗi năm có hàng chục triệu lượt khách du lịch đến với đất này.
Câu chuyện của người Paris, Praha, Budapest… đem đến rất nhiều suy nghĩ. Sông Hồng không như sông Seine, Vltava hay Danube, mỗi con sông có một đặc tính và định mệnh riêng, nhưng với những người yêu Hà Nội thì “mặt tiền” của một kinh đô tấp nập bán buôn trở thành “cửa hậu” của thành phố với rất nhiều “khuyết tật” trong thời hiện đại là một sự lãng phí… Không thể mãi ứng xử như vậy với một dòng sông!
Mặt khác, từ năm 1995 trở lại đây, Hà Nội đã chọn hướng phát triển về phía Tây với mong muốn xác lập những thành phố trong thành phố. Và Đại lộ Thăng Long đã kết nối trung tâm thành phố với Đô thị Hòa Lạc nơi đứng chân của Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc… Trong câu chuyện Hà Nội phát triển về hướng Đông hay hướng Tây đã từng tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới những năm trước đây, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói: Đi về phía Tây là đúng định hướng phát triển, đi về phía Đông là sự lựa chọn tự nhiên của các nhà đầu tư… Hà Nội nên bám sát hai bên sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục. Bên này sông là Hà Nội cũ, bên kia sông là Hà Nội mới…
Những khát vọng sông Hồng cứ như vậy nhân lên trong tình yêu Hà Nội cùng một tầm nhìn mới về dòng sông Mẹ. Nhiều năm gắn bó với quy hoạch Hà Nội, Kiến trúc sư Lã Hồng Sơn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội), cho biết: “Thành phố đã chỉ đạo công tác quy hoạch với tư duy và tầm nhìn chiến lược, ý chí và khát vọng phát triển mới, tạo đột phá trong công tác quy hoạch để sông Hồng trở thành “trục không gian cân bằng”; đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề của Hà Nội…”.
Thành phố hai bên sông đang được định hình! Vươn về phía Đông, về bên kia của dòng sông Mẹ, Hà Nội không chỉ cân bằng mật độ phát triển đang nghiêng về vùng lõi Phố cổ, mà còn tạo ra những không gian rộng lớn và giàu tiềm năng. Đặc biệt là một “mỏ vàng” quỹ đất không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án của giới đầu tư kinh doanh bất động sản…, sẽ là cơ hội để tạo ra những công trình kiến trúc giàu tính mỹ thuật, đậm chất Thăng Long - Hà Nội, những công viên cây xanh, không gian văn hóa sáng tạo, khu vui chơi giải trí… cho cả cộng đồng. Và những khu du lịch sinh thái, những cánh đồng hoa, vườn rau công nghệ cao… sẽ mở ra hy vọng cho người dân trong mênh mang vùng đất bãi.
Không chỉ giải “bài toán” hài hòa cùng thiên nhiên, việc quy hoạch những không gian mở, không gian văn hóa ven sông còn thể hiện một phương châm sống của người Hà Nội - thân thiện với thiên nhiên, với dòng sông Mẹ. “Với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, có thể hình dung được những ý tưởng kiến trúc không gian mang đến sự chuyển hóa mềm mại giữa các khu vực, công trình với không gian mặt nước để tạo nên hình ảnh đặc trưng của đô thị nghìn năm văn hiến”, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hũng Vĩ nói với chúng tôi như vậy. Một trục không gian cân bằng sẽ mang đến những không gian mới!
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho người Hà Nội và những người yêu Hà Nội, dẫu vẫn biết từ tầm nhìn đến hiện thực là một chặng đường dài. Những ý tưởng, những khát vọng Sông Hồng chắt chiu trong tâm thức sẽ dần có hình hài, tuy nhiên việc kết nối những ý tưởng đơn lẻ trong một không gian rộng lớn hay kết nối những không gian đặc thù trong một tổng thể thống nhất chất chứa những giá trị Thăng Long - Hà Nội sẽ là cả vấn đề trong tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn quy hoạch.
Nhiều người bị cuốn hút bởi niềm yêu Hà Nội của Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, với ý tưởng mới lạ về “Quận nghệ thuật sông Hồng” khi đưa ra các giải pháp biến khu vực bãi bồi ven sông rộng 5ha thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn kiếm trở thành một quận nghệ thuật. Phương án hướng tới xây dựng một không gian xanh với hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà đến không gian bên ngoài của cộng đồng là nghệ thuật và sáng tạo. Nơi đây sẽ có những studio sáng tạo, văn phòng kiến trúc… làm điểm tựa cho giới trẻ khởi nghiệp.
Ý tưởng này phù hợp với việc tạo lập một công viên văn hóa với kiến trúc, cảnh quan dựa vào địa hình tự nhiên; gắn kết các di tích lịch sử, tập quán truyền thống sông nước với phát triển du lịch, đã được Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đề cập nhiều lần, với nhiều cấp độ trao đổi. Tuy nhiên, để có sự kết nối với những không gian văn hóa đặc thù ở những địa phương khác trong một không gian mở vẫn còn nhiều chuyện phải làm.
Cả thời ấu thơ gắn bó với phố cổ Hà Nội, chứng kiến sự đổi thay của những con phố Hành Buồm, Chợ Gạo… rồi hồ Tây, hồ Trúc Bạch…, KTS quy hoạch Phạm Trọng Nghĩa cho rằng: Kết nối “phố hàng” mái ngói thâm nâu với những con phố cũ mang phong cách châu Âu, các làng nghề truyền thống như đúc đồng Ngũ Xã, cá cảnh Yên Phụ… trong một không gian mở để tạo nên những giá trị văn hóa mới cho thành phố hơn nghìn năm tuổi là cần thiết nhưng không thể là chuyện “ngày một ngày hai” và không thể thành công nếu thiếu sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Nhiều nhà kiến trúc, nhà nghiên cứu văn hóa cũng lưu ý việc hiện thực hóa quy hoạch sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương, đặc biệt là khu vực hồ Tây, Tứ Liên và ngã ba sông Đuống. Bởi đây là một không gian quy ước, nơi hội tụ, tập trung những giá trị đặc trưng về cảnh quan tự nhiên cũng như văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Thời gian tới triển khai các công trình kiến trúc mới cần chú trọng khai thác yếu tố này để tạo dựng một biểu tượng cho thành phố hai bên sông.
Việc gắn kết hồ Tây - Cổ Loa bằng việc tạo lập trục không gian qua dòng sông Mẹ, kết nối không gian lịch sử bằng một thủ pháp đô thị hiện đại đem đến nhiều kỳ vọng và cả những thách thức khi thực hiện quy hoạch.
Trong hệ thống giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn sông Hồng với tư duy mới - thuận thiên và thuận nhân, KTS Ngô Trung Hải, người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực quy hoạch đô thị ở Việt Nam, cho rằng: Trước tiên là tập trung cải tạo lại toàn bộ không gian sông Hồng thành trục cảnh quan, không gian văn hóa, lá phổi xanh. Thứ hai là thực hiện được mục tiêu chỉnh trị sông Hồng, phòng chống lũ kết hợp với hệ thống giao thông dọc ngang; kết hợp các tuyến đê và cầu. Thứ ba là làm sao bảo đảm cho người dân đang sinh sống dọc hai bên bờ sông có nơi sống tốt hơn, ổn định hơn, hạ tầng xã hội cũng như môi trường sống được cải thiện hơn.
Một thành phố hiện đại văn minh đang rõ hình hài cùng việc hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Khát vọng về dòng sông Mẹ chảy qua đô thị trung tâm đắp bồi những giá trị mới cho mảnh đất văn hiến ngàn đời không còn xa tầm với, nhưng là một thách thức rất lớn trong việc thực hiện quy hoạch. Từ kết nối những giá trị văn hóa lịch sử, không gian cảnh quan đến giải phóng mặt bằng, tạo dựng những công trình giàu tính sáng tạo… một khối lượng công việc khổng lồ đang ở phía trước.
Tầm nhìn mới, thách thức mới đòi hỏi tư duy và cách làm mới. Năng lực sáng tạo và tình yêu Hà Nội sẽ là động lực để người Hà Nội hôm nay tạo nên sự đổi thay mang lại những giá trị mới cho dòng sông Mẹ.
Hoàn thành Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng với một tầm nhìn và tư duy thuận thiên và thuận nhân là nền tảng cho những kế hoạch, đề án…, để dòng sông Mẹ gắn liền với đất văn hiến ngàn đời lấp lánh giá trị mới trong vai trò trục không gian cân bằng của một thành phố văn minh hiện đại, kết nối toàn cầu. Tinh thần Thăng Long, khát vọng về một Thủ đô văn hiến, thịnh vượng sẽ là động lực để Hà Nội đưa ý tưởng đến hiện thực. Và sông Hồng sẽ là dòng kết nối lịch sử với đương đại đến tương lai.