Không biết chính xác từ bao giờ, dải đất dài 3,8km tiếp giáp với lòng sông Hồng thuộc địa bàn hai phường Chương Dương và Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm lại có tên gọi Bờ Vở. Nhưng chắc chắn, tiếc nuối và xót xa là cảm giác của nhiều người khi nhìn về vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng ngay giữa lòng Thủ đô lại là nơi cỏ dại mọc tràn, rác thải chất dày và môi trường ô nhiễm nặng nề…

Dưới màu xanh của khu Bờ Vở là hiện trạng lãng phí nguồn lực đất đai và ô nhiễm nguồn nước, rác thải.

Từ những năm 2000, khu vực Bờ Vở và lòng sông Hồng đã ồn ã những lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi bên sông, rồi những câu chuyện xung quanh “bãi đáp” của cánh nghiện ngập, tiêm chích. Nhiều lần chính quyền sở tại vào cuộc rốt ráo, trật tự mới dần được thiết lập, nhưng dẻo đất trù phú ven sông vẫn là nơi cỏ rác chôn sâu…

“Mắc kẹt trong cảnh chờ quy hoạch đã quá lâu, cư dân chúng tôi “đi không nỡ mà ở không xong”. Trường, trạm, đường xá xuống cấp, thiếu thốn đủ bề, chưa kể tình trạng ô nhiễm môi trường luôn nhức nhối” - Ông Nguyễn Trung Dũng (54 tuổi, phố Hàm Tử Quan, phường Phúc Tân) nói. Bất chợt tôi nhớ đến nhạc sĩ Lê Vinh với câu hát “đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than”. Lắng nghe nhịp sống hàng thập kỷ trôi qua trên những bãi giữa, bãi bồi sát khu vực phồn hoa bậc nhất của Hà Nội, để rồi không khỏi chạnh lòng…

Thế rồi “phép lạ” đến! Điều tưởng như không thể đã trở thành hiện thực. Dự án cải tạo không gian xanh với diện tích 1.500 m2 do mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” kết hợp với chính quyền và người dân nơi đây thực hiện từ cuối năm 2021, đã biến mảnh đất từng là nơi “cư ngụ” của hàng trăm tấn rác thại tại ngách 43/32 đường Bạch Đằng thành một không gian cộng đồng với vườn rừng xanh cỏ cây, hoa lá.

Sự sống đang hồi sinh ở Bờ Vở.

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, cho biết: "Chúng tôi đã cải tạo không gian từ Đền Sơn Hải đến Hàm Tử Quan với diện tích khoảng 1ha. Rác thải, nước thải sẽ được xử lý để đất hoang ô nhiễm trở thành công viên xanh". Với khát khao “Vì một Hà Nội đáng sống”, ông Lê Quang Bình đang ấp ủ ước mơ sẽ tiếp tục nhân rộng không gian xanh khắp 3,8km khu Bờ Vở để tạo nên một không gian đô thị mới trên khu đất “vàng” từng bị lãng quên.

Những ngọn gió ngọt lành mang theo kỳ vọng mới! Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ sở để chính quyền quận Hoàn Kiếm ấp ủ những dự định cho tương lai. Đầu năm 2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã “trình làng” một đề án thu hút sự chú ý đặc biệt của người Hà Nội. Theo đó, Hoàn Kiếm sẽ tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất và vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa - du lịch.

Bãi giữa, bãi bồi có diện tích không cố định mà thay đổi theo mùa mưa từng năm, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình dịch vụ du lịch nhưng manh mún, tự phát và thiếu sự kết nối…, theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: “Khai thác bãi giữa, bãi bồi sông Hồng là cơ hội phát triển, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu nghiêm túc, đặc biệt rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học, sự đồng tình ủng hộ của người dân để tái thiết, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".

Ý tưởng tái khởi động vấn đề khai thác khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng của UBND quận Hoàn Kiếm được xem là có cơ sở khi Hà Nội “chốt” Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sau hơn 30 năm chờ đợi. Người dân sống ven Bờ Vở đang thắp lên hy vọng ngày mai bắt đầu từ hôm nay.

“Tháng hai hội Đền Dầm, Đền Sở
Ninh xá từ Đại Lộ đức Ông
Nhởn nhơ đứng mũi thuyền rồng
Khuyên luyện thanh đồng chầu chực dâng hoa…”.

Câu hát văn truyền khẩu đưa chúng tôi về với Đền Dầm, Đền Sở và Đền Lộ, thuộc địa giới xã Ninh Sở (huyện Thường Tín). Từ bến phà Vạn Phúc, giáp ranh với huyện Thanh Trì, Ninh Sở là xã đầu tiên và có diện tích lớn nhất huyện nằm trong Phân khu đô thị sông Hồng.

Cán bộ địa chính xã Tạ Mạnh Tùng vanh vách những câu chuyện về hàng trăm hộ dân đang sống ngoài đê: “Đó là các khu dân cư lâu đời. Trước đây vào mùa nước lên, ở khu vực ngoài đê Hữu Hồng, hầu hết các hộ dân phải đi thuyền vào nhà hoặc di dời tạm sang các thôn khác chờ nước rút. Từ năm 2008, ngập úng không còn. Nhằm bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho người dân, xã đã thực hiện tái định cư, lập xóm mới, nhưng người dân sống sát mép sông vẫn xin ở tạm, do gần trọn đời đã gắn với chài lưới…”.

Chưa quên những ký ức một thời khi nước dữ làm xói lở, dân mất đất, ngôi đình cổ cũng bị cuốn trôi, ông Trần Văn Tiến, Bí thư Chi bộ thôn Xâm Dương 2, xã Ninh Sở nói với chúng tôi: Giờ đây, khu vực ven sông đã có bờ kè, cuộc sống của bà con ngoài đê tạm ổn định bằng nghề nông hoặc chài lưới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nơi đất bãi vẫn thiếu thốn trăm bề, nhà văn hóa thôn 1 nhiều năm chưa thể thành hình, do không bố trí được quỹ đất và thiếu nguồn lực tài chính. Việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa gặp khó khăn vì phải… chờ quy hoạch.

Những ngôi đền cổ đã được xếp hạng cùng nghi lễ rước cấp thủy diễn ra trên vùng đất bãi Ninh Sở.

Ngược về triền đê Hữu Hồng là huyện Thanh Trì, địa bàn phân khu đô thị sông Hồng trên địa bàn có diện tích 1.135ha, với hơn 8.000 hộ dân sống ngoài đê, chủ yếu thuộc các xã Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc. Đây là khu vực người dân không phải di dời. Tại Tiểu Lan Châu năm xưa, tức làng Yên Mỹ hôm nay mỗi người có một cảm nhận riêng về vùng bãi bồi rộng lớn, với những khu dân cư yên bình nằm xem giữa hồ nước, bên con đường hoa và bát ngát màu rau xanh. Yên Mỹ ngoài đê sông Hồng, được phù sa bồi đắp nên cây cỏ tốt tươi, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng vì đất bãi bồi mà từ xa xưa đã có không ít chuyện… Ví như mãi đến năm 1919, làng mới dựng đình và đến năm 1924 mới hoàn thành. “Việc làng xây đình muộn có nhiều nguyên nhân. Có thuyết giải thích là do làng nghèo, vì vậy có lời nguyền của các làng bên: “Bao giờ Yên Mỹ làm đình, chạch đẻ ngọn giáo thì mình lấy ta!” Chắc chắn đây chỉ là sự đặt lời của dân gian, nguyên nhân chính của việc dựng đình muộn này là do làng ở ven sông, chịu tác động bởi nước lũ sông Hồng, gây ngập lụt. Chắc hẳn, xưa kia làng từng có đình, nhưng bị nước lụt làm trôi lở nên việc dựng lại rất khó khăn” - Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Bùi Xuân Đính cắt nghĩa.

Yên Mỹ hôm nay vẫn là vùng đất trù phú. Sau công cuộc dồn điền, đổi thừa, xã bắt tay gây dựng vùng trồng rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bà Trần Thị Thoa, Bí thư Chị bộ thôn 2 đã có sáng kiến thành lập “nhóm hội liên kết” để mở rộng “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nông dân. Tuy nhiên, mở rộng sản xuất gắn với bảo quản chế biến sau thu hoạch và xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chí đô thị vẫn là câu chuyện của những khó khăn thách thức. “Những vướng mắc này chắc chắn sẽ dần được cởi gỡ khi đã có quy hoạch sông Hồng”, bà Trần Thị Thoa nói với chúng tôi như vậy!

Back To Top