Những bãi bồi, bãi giữa, những dẻo đất bên dòng sông Mẹ đang “gồng mình” trong áp lực phát triển nhưng vẫn phải… chờ. Và không phải đến bây giờ Hà Nội mới tính đến việc quy hoạch những vùng đất ven sông Hồng tạo động lực cho những đô thị mới. Thế nhưng do cả những yếu tố khách quan và chủ quan, thành phố chưa thể giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tế và người Hà Nội lại nối dài hy vọng về một đô thị bên con sông Mẹ nặng phù sa.

Từng là người trong cuộc, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm tường tận như “cuốn từ điển sống” về quy hoạch Hà Nội nói với chúng tôi: “Từ năm 1954 đến nay, đã có tới 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, đều đề cập đến quy hoạch sông Hồng. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí, tổ chức những sự kiện và năm 2012, thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng”.

Trước sức hấp dẫn đặc biệt của khu vực hai bên dòng sông Mẹ, đã có nhiều tổ chức nghề nghiệp trong nước và nước ngoài đến Hà Nội nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch phát triển với quy mô khác nhau… Cũng theo TS.TKS Đào Ngọc Nghiêm, nhiều đề án, dự án rất đáng ghi nhận, như: Dự án “Trấn sông Hồng” được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương, năm 1996; dự án “Khu đô thị khoa học” do Công ty Indochina Land - Hoa Kỳ đề xuất, năm 2005... Đặc biệt, hai dự án, gồm: HAIDEP nằm trong Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội giữa Việt Nam - Nhật Bản đề xuất khai thác hai bên sông Hồng, năm 2004; Hợp tác quy hoạch cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội giữa Hà Nội và Seoul - Hàn Quốc, năm 2006 đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, những dự án này phải cất vào ngăn kéo vì nhiều lý do, trong đó có việc chưa đưa ra được giải pháp bảo đảm an toàn thoát lũ và ổn định dòng chảy cũng như việc xác lập mối quan hệ vùng giữa tiềm năng quỹ đất của khu vực ven sông Hà Nội với các tỉnh lân cận; và cả việc ứng dụng khoa học kỹ thuật như thế nào trong khai thác tiềm năng quỹ đất ven sông cũng như khu vực bãi giữa, bãi bồi… Cũng vì vậy, đô thị ven dòng sông Mẹ vẫn chỉ là kỳ vọng.

Với việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, quy hoạch thành phố chuyển sang giai đoạn mới. Để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với chiều dài khoảng 40 km và quy mô lên tới 11.000 ha.

“Trong bối cảnh hợp nhất và không gian thoát lũ mới, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là “mảnh ghép” lớn nhất, được cân nhắc kỹ lưỡng nhất trong các quy hoạch phân khu đô thị tại Đô thị trung tâm Hà Nội. Chiếm tỷ trọng khoảng 30% chiều dài sông Hồng qua Hà Nội, khoảng 8% chiều dài sông Hồng qua các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng, song đây là khu vực trọng với nhiều yếu tố phức tạp. Nếu giải quyết tốt bài toán quy hoạch, có thể coi là đột phá cho công tác quy hoạch xây dựng, là kinh nghiệm triển khai trên toàn bộ các tuyến sông có đê còn lại qua Thủ đô Hà Nội nói riêng và qua các tỉnh, thành nói chung”, Ths. KTS Lã Hồng Sơn, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nói với chúng tôi khi đề cập đến vấn đề này.

Sau hơn 10 năm triển khai, ngày 31-3-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Việc này thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố việc khai thác, phát huy tiềm năng của dòng sông Mẹ.

Nhiều nhà quản lý quy hoạch, kiến trúc đánh giá: Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch cho thấy sự cẩn trọng nhưng hết sức quyết liệt của thành phố trong tháo gỡ những điểm nghẽn quy hoạch từ nhiều năm nay, quyết tâm hoàn tất mục tiêu cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.


Sau nhiều năm chờ đợi, với hàng chục đề án, dự án “trôi trượt”, việc Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng được là coi dấu mốc quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ dòng sông chất chứa lịch sử, văn hóa, gắn bó mật thiết với người Hà Nội.

Nhiều thư tịch liên quan đến Kinh thành Thăng Long đã ghi lại chuyện vỡ đê, nước tràn vào phố, phải dùng thuyền đi lại trong thành và cả những phương án bỏ đê sông Hồng để nước lũ trải đều ra vùng đồng bằng… Trị thủy sông Hồng cũng là một khát vọng của người Hà Nội đau đáu cùng thời gian. Và với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội hôm nay đã giải quyết được “điểm nghẽn” cũng là “bài toán” chưa có lời giải trọn vẹn qua nghìn năm lịch sử.

Trong câu chuyện thoát lũ sông Hồng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Đồ án quy hoạch được UBND thành phố thông qua kế thừa toàn bộ những thành quả của các nghiên cứu trước đó về lĩnh vực này, như: Nghiên cứu tuyến thoát lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, Quy hoạch chi tiết khai thác sử dụng đất và phân bố dân cư hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội… và gần đây nhất là Nghiên cứu đề xuất chỉnh trị sông Hồng qua trung tâm Hà Nội. Chúng ta cũng đã có những bài học kinh nghiệm từ việc phát triển khu vực hai bên sông Hàn ở Seoul - Hàn Quốc, sông Seine ở Paris - Pháp, sông Tiền Đường ở Hàng Châu - Trung Quốc…

TS.KTS Vũ Hoài Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay khu vực hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội nói riêng cũng như toàn bộ hạ lưu kể từ khi các hồ chứa lũ và các công trình thủy lợi được xây dựng thì về cơ bản dòng chảy tương đối ổn định. Rất nhiều năm Hà Nội không gặp phải tình huống báo động cấp 2, cấp 3; thậm chí báo động cấp 1 cũng rất hãn hữu. Đây là điểm tựa thực tế để đi đến thống nhất cách thức xử lý cũng như phát triển đối với khu vực hai bên sông Hồng mà đồ án quy hoạch đã đặt ra.

Giải bài toán thoát lũ là điểm tựa để hiện thực hóa quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Mặt khác, quy hoạch lần này được triển khai trên các cơ sở pháp lý đã ban hành, như: Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều 06/2020/QH14; Quyết định 257/QĐ-TTg tháng 2 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Luật Xây dựng; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, ThS.KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội khẳng định: Những yêu cầu của Quyết định 257/QĐ-TTg cũng như những ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là điều kiện tiên quyết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đồ án. Trong đó, có những giải pháp cụ thể như quy hoạch về đê và đường ven sông theo hướng nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực; quy hoạch đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, bảo đảm an toàn chống lũ, đáp ứng nhu cầu giao thông... Những khu vực dân cư được xác định di dời vì liên quan đến yếu tố an toàn sẽ được tiến hành theo lộ trình nhất định, người dân sẽ được bố trí tái định cư vào khu vực cận kề. Còn những khu vực được phép tồn tại sẽ được bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật để bảo đảm điều kiện sống cho người dân tốt hơn.

Cũng vì vậy, Vụ trưởng Vụ quản lý Đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Công Tuyên nhận định: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội đã xác định rõ nguyên tắc, quan điểm tuân thủ và cụ thể hóa các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Hồng và sông Thái Bình…

Trong quá trình lập Quy hoạch, Hà Nội đã gửi văn bản lấy ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ này đã cơ bản thống nhất với đề nghị của thành phố về giải pháp xây dựng 2 tuyến đường trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê hiện có, không xây dựng đê bối mới…; đồng thời khuyến nghị: Hà Nội cần lựa chọn cao trình mặt đường tương đương theo mặt bãi sông tự nhiên, đoạn nào đi qua đê bối tương đương cao trình đê bối hiện có và đoạn nào cao trình đi qua khu dân cư thì lấy theo cao trình khu dân cư hiện có.


Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thành phố đã phê duyệt, hiện chưa xác định cao trình mặt đường. Tuy nhiên, tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch, thành phố nêu rõ, sẽ xác định cao trình mặt đường trong giai đoạn lập dự án xây dựng theo nguyên tắc bảo đảm quy trình phòng chống lũ và không làm ảnh hưởng đến không gian thoát lũ…

“Với cách tiếp cận nêu trên của thành phố Hà Nội, tôi hy vọng và cho rằng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội sẽ đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thoát lũ và an toàn đê điều cho Hà Nội và các khu vực lân cận”, ông Trần Công Tuyên nói.

Như vậy, “bài toán” thoát lũ với dòng sông Mẹ đã tìm được lời giải. Và đây chính là điểm tựa để hiện thực hóa nguyên tắc thuận tự nhiên và thuận lòng dân trong quy hoạch và triển khai quy hoạch sau này.

Sông Mẹ: Dòng chảy kết nối quá khứ và tương lai
Back To Top