Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng trục không gian trung tâm, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại, tạo nên những giá trị mới cho thành phố nghìn năm văn hiến. Mang tầm nhìn và tư duy mới về hoạch định chính sách dựa trên nguyên tắc: Thuận tự nhiên và thuận lòng dân, Quy hoạch đang “chắp cánh” cho khát vọng thành phố đôi bờ và tinh thần Thăng Long của người Hà Nội.

“Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều vấn đề mới, buộc nhân loại phải chung sống hài hòa với thiên nhiên. Vì vậy thuận thiên không chỉ là sự lựa chọn mà còn là một khoa học trên nhiều lĩnh vực và phát triển đô thị theo hướng thuận thiên là tất yếu vì một tương lai bền vững. Quy hoạch Hà Nội đã, đang tiếp cận với xu hướng này…”, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói với chúng tôi.

Khác với một số nghiên cứu ở những giai đoạn trước, quy hoạch chia cắt nhỏ không bảo đảm tính tổng thể; quy hoạch tác động mạnh nhằm khai thác tối đa quỹ đất song lại gia tăng áp lực cho hạ tầng khu vực; quy hoạch chưa chú trọng bảo đảm an toàn phòng, chống lũ…, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng giai đoạn mới bám sát mục tiêu và cũng là giải pháp Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đề ra. Đó là, phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên, dựa vào hình thái tự nhiên để xây dựng công trình và không gian cảnh quan hai bên bờ sông Mẹ.

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chia làm 3 phân đoạn chính.

Thay vì “quay lưng” vào dòng sông Mẹ, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đặt nền móng phát triển thành phố theo hướng “nhìn sông, tựa núi”; đồng thời tiếp nối những giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.

Phân khu đô thị sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm, sẽ cơ bản giữ nguyên cao độ hiện trạng, bảo đảm cho dòng chảy êm thuận, hạn chế gia tăng áp lực dẫn đến các nguy cơ cho đê điều khi có lũ lớn. Cùng với đó là những ý tưởng quy hoạch không gian sinh thái dựa trên làng xóm ven đô, đất bãi, đất trồng rau màu, hoa cây cảnh… tạo cơ hội khôi phục, bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa. Mặt khác, phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các ngành nghề truyền thống, các hoạt động thương mại, dịch vụ… sẽ tạo nên những giá trị mới cho vùng đất ven sông.

Việc khai thác quỹ đất sẽ ưu tiên cho việc di dân, giãn dân, tái định cư… cũng như bổ sung cơ sở hạ tầng để tạo ra một luồng sinh khí mới cho vùng đất hai bên Sông Hồng. “Lần đầu tiên Hà Nội nói về sông Hồng mà không tính chuyện xây nhà bán đất, coi vấn đề bảo đảm đủ nước cho sông khi mùa hạn và an toàn khi mùa lũ - hướng tiếp cận thuận theo tự nhiên - làm nguyên tắc ứng xử…”, KTS Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nhấn mạnh tới yếu tố quan trọng trong thay đổi phương thức tiếp cận không gian đôi bờ sông Mẹ.

“Cũng vì hạnh phúc người dân mà thành phố không tính chuyện di dân lấy đất để kinh doanh bất động sản - ấy là bỏ mục tiêu “quy hoạch vị lợi” mà hướng tới “quy hoạch vị nhân sinh”. Thành phố chú trọng hơn trong việc phát triển các không gian xanh, không gian mở, thiết chế văn hóa kết hợp với bảo tồn, khôi phục những giá trị thiên nhiên trước nguy cơ “nghèo dinh dưỡng”, “thiếu không gian”.

Chung quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đã hướng việc khai thác nguồn tài nguyên đất rộng lớn và quý giá cho việc tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian văn hóa… “Đồ án mở ra cơ hội lớn cho việc chỉnh trang khu vực ngoài đê, vốn đang phát triển lộn xộn và nhếch nhác, với nhiều trường hợp lấn bãi, xây cất tự phát; di dời các khu nhà ở được xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ hay hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực nội đô lịch sử, cải tạo xây dựng lại hàng trăm chung cư cũ đã xuống cấp tại bốn quận trung tâm thành phố…”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với định hình không gian hai bờ sông Mẹ, cũng là điểm tựa để loại bỏ các “dị tật” đô thị, hình thành những giá trị mới theo hướng hài hòa cùng thiên nhiên. Quận Hoàng Mai có hơn 900ha đất ngoài bãi sông, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Thọ cho biết: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ tạo điều kiện pháp lý để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu là một chiến lược phát triển đô thị và đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Đề án mở ra cơ hội cho việc chỉnh trang khu vực ngoài đê, vốn đang phát triển lộn xộn và nhếch nhác.

Không gian cho cộng đồng là những không gian mở cho việc tổ chức các sự kiện, trao truyền các giá trị văn hóa - nơi cố kết cộng đồng đô thị, thể hiện lối sống và làm nên bản sắc đô thị… Những không gian như vậy dường như đã bị “bỏ quên” dưới áp lực gia tăng dân số, quy mô cấu trúc các công trình dân dụng, thương mại… trong nhiều năm vừa qua. Do vậy, cách tiếp cận theo hướng “thuận nhân”, ưu tiên thoát lũ bảo đảm an toàn cho cư dân và tạo cơ hội phát triển không gian cho cộng đồng của Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đã được người Hà Nội nhiệt thành đón nhận.

Cùng với quan điểm dựa vào hình thái tự nhiên để xây dựng công trình và không gian cảnh quan, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thể hiện rõ nguyên tắc “thuận theo lòng dân” tại mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn phòng chống lũ cho người dân ở cả bên trong và bên ngoài đê. Điều này được thể hiện rõ trong các giải pháp chính của Đồ án là: Bảo đảm quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật; chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông để phát triển an toàn, ổn định đối với các khu dân cư hiện có, không phát sinh thêm số khu, diện tích, hộ dân ngoài bãi sông; rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm…

Bảo tàng gốm Bát Tràng "kể" câu chuyện làng nghề gắn với sông Hồng.

Quan điểm “thuận nhân” nhấn mạnh qua chủ trương, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trở thành trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm - nơi quy tụ các công trình công cộng, các công viên cây xanh, các hoạt động văn hóa, lễ hội đương đại, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, với các bước đi bài bản, khoa học. Chủ trương này, đã và đang tạo ra những chuyển động tích cực mang theo khát vọng đổi mới sáng tạo lan tỏa từ nội đô tới ngoại thành với những ý tưởng, kế hoạch, dự án “đánh thức” tiềm năng, lợi thế sông Hồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, về phát triển không gian văn hóa, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: Gia Lâm kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm đô thị mới bên sông Hồng, mang một sắc thái mới - nơi kết nối các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch trải nghiệm với các tỉnh khu vực Đông Bắc.

Những công trình văn hóa kết nối cộng đồng như công viên chuyên đề gắn với nghề gốm sứ, nghề thuốc Nam…, nơi kể câu chuyện làng nghề, trưng bày, giới thiệu sản phẩm kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, trên bờ hay các cụm du lịch văn hóa lấy làng nghề, di tích, di sản làm trung tâm, mở rộng ra các không gian trải nghiệm gắn với thiết chế văn hóa làng xã… đang được định hình trên miền đất cổ Gia Lâm”.

Đến với xã Hồng Vân, huyện Thường Tín khi Lễ hội tình yêu lần thứ Nhất - năm 2022 tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp của truyền thuyết “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” còn đọng nhiều dư âm, chúng tôi cảm nhận rõ hơn khát vọng sông Hồng của người dân nơi đây. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng, cho biết: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một điểm tựa để tập hợp sức mạnh cộng đồng trong việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa riêng có của quê hương; đồng thời tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng của vùng đất ven sông, tạo những điểm du lịch, checkin, lưu trú trải nghiệm, độc đáo…

Quy hoạch là điểm tự, tập hợp sức mạnh cộng đồng trong việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa riêng có của Thăng Long - Hà Nội.

“Thuận nhân”, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã tạo nguồn cảm hứng cho những người yêu Hà Nội với những sáng kiến, giải pháp có tính tiên phong, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo. Phương án “Quận đường tàu 4.0” chuyển đổi công năng khai thác Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ thành nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các Start-up về công nghệ, đầu tư và du lịch; Phương án“Quận nghệ thuật sông Hồng”, biến khu vực bãi bồi ven sông thành một không gian xanh, được bao trùm bởi nghệ thuật và sáng tạo… Các ý tưởng độc đáo, chất chứa tình yêu Hà Nội cần được nuôi dưỡng cho công cuộc hiện thực hóa khát vọng sông Hồng.

Thuận thiên, thuận nhân cùng tư duy mới về phát triển, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là nền tảng vững chắc để Hà Nội định hình thành phố hai bên sông hài hòa cùng tự nhiên, thật sự là nơi đáng sống cho mỗi cư dân đô thị. Hiện thực hóa khát vọng Thăng Long cũng như mục tiêu khai thác giá trị sông Hồng là câu chuyện dài, cần có phương thức triển khai bài bản, khoa học; những giải pháp thu hút nguồn lực tài chính, trí tuệ… Thách thức đang ở phía trước, nhưng thách thức cũng là động lực!

Back To Top