Hà Nội - thành phố gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là sông Mẹ, nơi khởi nguồn của mọi con sông nội đô. Với người Hà Nội, sông Hồng không chỉ mang đến sự thịnh vượng, mà còn bồi đắp nên bề dày lịch sử văn hóa đặc sắc qua dòng chảy thời gian. Từ huyền tích cổ xưa đến câu chuyện của người Hà Nội hôm nay là những dặm dài lịch sử, đủ để cảm nhận vai trò, giá trị đặc biệt của sông Hồng với đời sống của cư dân Thăng Long - Hà Nội.

Bảo tàng Hà Nội đang trong những ngày gấp rút thi công dự án trưng bày, sớm ra mắt công chúng câu chuyện lịch sử từ Kinh đô Thăng Long tới Thủ đô Hà Nội. Với 7 chủ đề tầm vóc, 25 chủ đề nhánh, đi cùng 70.000 tư liệu, hiện vật tái hiện hành trình canh nông - trị thủy, mở mang thành lũy, phát triển giao thương, bồi đắp văn hóa, tín ngưỡng…, câu chuyện hình thành, phát triển Thăng Long - Hà Nội luôn lấp lánh sự hiện diện của những dòng sông góp phần định danh cho thành phố. Ở đó, sông Hồng giữ vị trí đặc biệt và đây cũng là cơ duyên đưa chân nhóm phóng viên Hànộimới tới Bảo tàng, trong những ngày câu chuyện về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng - “đánh thức” dòng sông cội nguồn thành phố - thu hút sự quan tâm đặc biệt của không chỉ cư dân Hà Nội.

Dẫn chúng tôi thăm kho bảo quản mênh mông dưới hầm tòa nhà, nơi lưu trữ hàng chục nghìn hiện vật đa dạng chất liệu, kích cỡ, giá trị, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà mở đầu câu chuyện với cặp hiện vật bằng gỗ nguyên khối, xù xì, to bản, có hình thù kỳ lạ ở góc phòng: Đây là đôi mỏ neo cổ trục vớt từ sông Hồng, được một người con Hà Nội tặng lại bảo tàng, với tâm nguyện thêm một “mảnh ghép” làm giàu mạch chuyện về vùng đất ngàn năm văn hiến. Hiện vật này minh chứng cho Kẻ chợ - Thăng Long từng là một thương cảng lớn bên sông Hồng, nơi hội tụ hoạt động giao thương quốc tế, giao lưu văn hóa của cư dân tứ xứ…

Chiếc mỏ neo khổng lồ là minh chứng cho Kẻ Chợ - Thăng Long từng là thương cảng lớn bên sông Hồng.

Đôi mỏ neo này sẽ hiện diện trong trưng bày chủ đề “Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt”, như một điểm nhấn sống động cho những câu chuyện về kinh thành bên sông. Từ kích thước đồ sộ của chiếc mỏ neo, người ta có thể hình dung được tầm vóc của những con thuyền đi lại tấp nập trên dòng sông Mẹ, khớp với mô tả trong tranh vẽ “Thăng Long - Kẻ Chợ những năm 1684-1685” của Nhà truyền giáo người Hà Lan Samuel Baron; hay nhận xét của giáo sĩ Richard, tác giả cuốn “Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài” (Histoire naturelle civile et politique du Tonquin), về hoạt động tại Thương cảng sông Hồng thế kỷ XVIII: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông. Những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta, ngay thành phố Venice với tất cả những thuyền lớn, thuyền nhỏ, cũng không thể đem đến cho người ta một ý niệm về hoạt động buôn bán và dân số trên sông Kẻ Chợ”.

Những mạch ngầm quá khứ đưa chúng tôi đến với phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) - con phố đặc trưng nhất của một thành phố bên sông, chuyên bán vải làm buồm và những vật tư liên quan đến thuyền bè. Phố xưa nằm hướng mặt ra sông, để thuyền bè đậu cửa, tập kết hàng hóa rồi tỏa đi muôn nơi.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương (Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội) cho biết: “Hàng Buồm xưa trên bến dưới thuyền vì có vị trí thuận lợi nhất, nhì khu vực phía đông thành Thăng Long. Tiện việc bán mua, cư dân khắp nơi đổ về, trong đó phải kể đến cộng đồng người Hoa, với nhiều dấu tích về sinh hoạt tín ngưỡng còn lưu tại Hội quán Quảng Đông hay đền Quán đế. Hội quán xưa, nay đã trở thành không gian ký ức (Trung tâm giao lưu nghệ thuật Phố cổ), nơi lưu giữ những câu chuyện đời, chuyện phố xưa - nay, những chuyện của mưa Âu - gió Á, của dân Kẻ Chợ, của những Hoa kiều gắn với dòng sông”.

Cách đó không xa là phố Chợ Gạo, nơi gặp gỡ của sông Hồng và sông Tô Lịch xưa kia và là điểm khởi đầu của tour du lịch “Hà Nội bộ hành - Dấu sông hồn phố” hôm nay. Theo Kiến trúc sư Nguyễn Vũ Hải, người dẫn đường của tour du lịch, từ điểm giao nhau này, những mạch nước và đất đan xen tạo nên thế đất của Thăng Long. “Đi xuyên phố cổ, chèo ngược sông xưa là câu chuyện về một thương cảng ven sông sầm uất, tương ứng với thời gian giữa thế kỷ XIX. Tại đây, vẫn là khu chợ lớn nhất Việt Nam, nhưng không phải khu chợ được vận hành bằng xe máy, ô tô; thậm chí không phải bằng xe kéo mà bằng bến và thuyền - cũng là phần mở đầu cho hành trình Dấu sông hồn phố”.

Các hoạt động giao thương, văn hóa gắn với sông mẹ được thể hiện trong tranh vẽ "Thăng Long - Kẻ Chợ những năm 1684-1685 của nhà truyền giáo người Hà Lan Samuel Baron.

Nhiều cứ liệu lịch sử đã cho thấy vai trò quan trọng của sông Hồng đối với đời sống cư dân đôi bờ, để nhân gian cô đọng thành kinh nghiệm sống “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Với Thăng Long - Hà Nội, từ lúc Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn nơi hội tụ của những con sông để “thượng đô” năm 1010, dấu ấn Sông Hồng đã hiện hữu sống động trong đời sống Kinh kỳ. Từ chợ ven sông, việc buôn bán loang ra khắp kinh thành với những phố nghề - phố hàng bốn mùa tấp nập. Đến Thăng Long năm 1736, sứ giả Ngụy Tiếp cảm khái: “Gió hòa bụi, chợ đông người, phất phơ tay áo, đua chơi xuân cùng. Ngày dài thuyền chở, xe dong, bán buôn lũ lượt, trập trùng chen đua”.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, Kinh đô Thăng Long không chỉ là trung tâm sản xuất, mà còn là nơi tập kết hàng hoá từ nhiều trung tâm sản xuất khác ở châu thổ sông Hồng, phục vụ nhu cầu thu mua của các thương điếm ngoại quốc. Người phương Tây đến Thăng Long vào các buổi chợ phiên đều trầm trồ về sự đông đúc, tấp nập của các dòng người và thương phẩm từ các nơi đổ về kinh đô...

Còn PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định: Không cường điệu khi cho rằng kinh đô Thăng Long có vai trò quyết định trong quá trình dự nhập vào quỹ đạo toàn cầu hóa cận đại sơ kỳ của vương quốc Đàng Ngoài thế kỷ XVII, mà ở đó sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong việc khai mở các tuyến hàng hải thương mại nối liền Đông - Tây, khiến cho trao đổi toàn cầu nhanh chóng được mở rộng và phát triển ngày càng mạnh mẽ...

Như vậy, sông Hồng là nơi chuyên chở khát vọng thịnh vượng của cả dân tộc khi mang đến cho Kinh đô những chức năng nổi bật như trung tâm kinh tế thương mại, chính trị đối ngoại hay địa bàn tiếp nhận các thành tựu khoa học, kỹ thuật, văn hoá, tôn giáo… của thế giới.

Sông Hồng còn có nhiều tên gọi khác là sông Cái, Hồng Hà, Phú Lương, sông Nhị…, qua hàng nghìn thiên niên kỷ cần mẫn bồi đắp phù sa, tạo nên một vùng châu thổ phì nhiêu, ruộng đồng tươi tốt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Giống với nhiều nền văn minh rực rỡ trên thế giới đều hình thành và phát triển tại lưu vực các con sông lớn, như văn minh: Sông Nil - Ai Cập; sông Hằng - Ấn Độ; sông Hoàng Hà - Trung Hoa…, sông Hồng là cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam từ buổi sơ khai đến tận bây giờ. Xuôi theo dòng chảy của dòng sông là cội nguồn văn hóa, lịch sử; những nét độc đáo trong hội họa, kiến trúc, thi ca…, được hình thành, bồi đắp qua lối sống hòa hợp với thiên nhiên, quá trình tích lũy kinh nghiệm, tri thức ứng xử với dòng sông suốt dặm dài năm tháng”.

Di tích, lễ hội cổ xưa gắn với đời sống tín ngưỡng phong phú của cư dân bên sông Hồng.

Sông Hồng trên đất Kinh đô - Thủ đô không dài nhưng đủ để làm nên nét đặc trưng cùng danh xưng Hà Nội - “thành phố trong sông”. Nhiều tài liệu lịch sử ghi rõ, Thăng Long - Hà Nội được hình thành từ dải đất bồi đắp bởi phù sa sông Hồng, với cái tên khởi đầu là làng Long Đỗ. Qua năm tháng, dòng sông không chỉ mang đến sự phồn thịnh cho chốn “hội tụ quan yếu bốn phương”, mà còn nuôi dưỡng văn hóa tinh thần, tạo dựng nên vùng đất địa linh, nhân kiệt.

Dọc sông Hồng hôm nay còn đó những làng nghề cổ kính như: Làng làm giấy Yên Thái, làng trồng đào Nhật Tân, làng nghề gốm Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc... Dựa vào lợi thế sông nước, những thợ nghề quy tụ về đây mở làng, lập ấp, mà câu chuyện khởi đầu của làng nghề gốm Bát Tràng với bề dày hơn nghìn năm lịch sử, từ cuộc di cư của người dân ở làng Bồ Bát, trấn Thanh Hóa xưa (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) là một ví dụ!

Cũng không phải ngẫu nhiên, hầu hết di chỉ, di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội đều gắn bó với dòng sông theo một cách nào đó. Nổi bật trong đó là hệ thống hàng trăm di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh trải dài một dải xứ Đoài, gắn với truyền thuyết trị thủy thể hiện khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt; là Cổ Loa - tòa thành lâu đời nhất bên sông hay Làng cổ Đường Lâm - “bảo tàng sống” của nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng.

Không chỉ nuôi dưỡng con người, sông Hồng còn là dòng sông thiêng liêng và thánh thiện, nơi bắt nguồn của vô vàn huyền thoại, truyền thuyết… như thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung; huyền thoại thần Kim Quy giúp An Dương Vương đánh giặc…, hay truyền thuyết Lý Ông Trọng chém giải trừ họa cho dân…

Nhiều lễ hội vùng Thăng Long - Kẻ Chợ hôm nay đang được tiếp mạch nguồn nuôi dưỡng từ sông Mẹ.

Sự hiện hữu đa dạng loại hình di tích đình, đền, chùa, miếu, phố cổ, làng cổ, thành cổ…, cùng các tục lệ, nghi thức tâm linh như: Chèo thuyền trên sông đêm Ba mươi Tết ở lễ hội làng Khê Thượng (Ba Vì); rước kiệu qua sông tại lễ hội Đền Và (Sơn Tây); rước nước ở lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên, xã Hồng Vân (Thường Tín); bơi chải ở lễ hội Đình Chèm (Bắc Từ Liêm)… cho thấy đời sống tín ngưỡng phong phú của người dân đôi bờ sông Mẹ.

Nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Nguyễn Chí Bền cho rằng: “Ứng xử với thiên nhiên là ngọn nguồn tạo nên các nền văn hóa. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội bao gồm hệ thống di tích, lễ hội, phong tục, tập quán và hơn hết là văn hóa con người, được gìn giữ, tích lũy qua năm tháng, cũng là nhờ vào vai trò mạch nguồn nuôi dưỡng của sông Hồng”.

Nói cách khác, sông Hồng luôn bồi đắp sức sống cho Thăng Long - Hà Nội. Và ngược lại, đời sống của người dân trên những dải lấp lánh phù sa cũng truyền thêm sinh khí cho sông. Đó phải chăng là lý do vì sao, chúng ta luôn thấy tiếc nuối về việc chưa thể tận dụng hết giá trị của dòng sông Mẹ và trong thâm tâm luôn chất chứa những khát vọng sông Hồng.

Back To Top