(HNM) - Kỳ họp thứ tư của HĐND TP Hà Nội khóa XIV được dành riêng cho chuyên đề quy hoạch gồm Quy hoạch phát triển tổng thể nông nghiệp; Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục; Quy hoạch mạng lưới trường học; Quy hoạch phát triển hệ thống y tế; Quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh: Một trong những trọng tâm của Hà Nội năm 2012 là cụ thể hóa các quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là các quy hoạch ngành được các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến tại kỳ họp này.
Trên thực tế, quy hoạch được lập ra để các ngành phát triển theo mục tiêu vĩ mô, nằm trong một tổng thể thống nhất và hài hòa. Từng quy hoạch phải đặt ra những công việc trước mắt và lâu dài theo một trình tự hợp lý, hướng đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực cụ thể. Mặt khác, giữa các quy hoạch phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Quy hoạch vừa mang tính tổng thể nhưng cũng đầy đủ tính chất phân lập. Ví dụ như để giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội, tại cuộc họp về chuyên đề này ngày 27-3 vừa qua, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá: Việc đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ rất cần thiết, nhưng vấn đề đầu tiên cần giải quyết là công tác quy hoạch phải được thực hiện thật tốt. Quy hoạch của giao thông không phải cho bây giờ mà phải dự liệu cho tương lai. Giải quyết vấn đề giao thông phải bằng tầm nhìn rộng với yêu cầu đặt ra là quy hoạch giao thông phải đi trước một bước, phải đón đầu, góp phần mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển...
Cũng vì tầm quan trọng của 5 quy hoạch các ngành đối với sự phát triển của Hà Nội, vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc lập, thẩm định, quản lý và tổ chức thực hiện từng quy hoạch. Từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có những trường hợp quy hoạch rơi vào tình trạng thiếu tính khả thi. Điều đó là rất nguy hiểm, làm cho sự phát triển chung của xã hội thiếu đồng bộ, tạo nên những vấn đề bức xúc trong dân sinh và khi phải điều chỉnh vừa gây thiệt hại về kinh tế, vừa ảnh hưởng nhất định tới những quy hoạch khác, gây ra sự xung đột, manh mún, chắp vá... Chỉ nhìn vào một con đường, một dãy hè phố, một hàng cây, một công viên, hồ nước, tòa nhà... nếu được quy hoạch chuẩn mực, tính toán chuẩn xác, có tầm nhìn dài hạn sẽ góp phần làm cho bức tranh chung của thành phố đẹp hơn, tiện ích hơn theo hướng văn minh, hiện đại. Nhưng nếu ngược lại, không có một quy hoạch tốt sẽ dẫn tới tình trạng ngành này "đá" ngành kia, đường chưa làm xong đã bị đào lên, nhiều khu nhà cao tầng nhưng không có chỗ để xe, có khi cả một khu đô thị mới như Trung Hòa - Nhân Chính không có nổi một hồ nước điều hòa dù đã được tính toán trên bản vẽ trong quy hoạch ban đầu...
Do đó, vấn đề ở đây là những người làm quy hoạch cũng phải có tính chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Và bên cạnh đó phải giải được bài toán đa mục tiêu cho một quy hoạch, từ đó dẫn đến quy hoạch tổng thể có thể đáp ứng được nhiều mục tiêu, đích đến của quá trình phát triển. Mặt khác, phải có "nhạc trưởng" đủ kiến thức và năng lực để điều chỉnh tổng thể các quy hoạch phục vụ mục tiêu đặt ra trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tóm lại, để quy hoạch đi trước một bước thì phải thay đổi cả tư duy, cách làm, cách quản lý và tổ chức thực hiện. Đó cũng là vấn đề mà người dân trông chờ vào kỳ họp HĐND TP lần này bởi 5 quy hoạch các ngành đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chính là xương sống để Hà Nội thực hiện thắng lợi những mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.