(HNM) - Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống kênh rạch hiện có ở TP Hồ Chí Minh là
"Tài sản" quý
Theo kiến trúc sư (KTS) Thái Ngọc Hùng (Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh), các thành phố lớn trên thế giới đều tự hào về dòng sông chảy qua, bởi nó không chỉ tạo cho cảnh quan đô thị một sắc thái riêng biệt độc đáo mà còn làm cho môi trường trở nên tốt hơn. Thiên nhiên đã phú cho TP Hồ Chí Minh dòng sông Sài Gòn mềm mại cùng hệ thống kênh rạch đặc trưng cho vùng Đồng bằng Nam Bộ. Chính cảnh quan Nam Bộ này đã làm cho TP Hồ Chí Minh có diện mạo khác hẳn các đô thị khác trên thế giới. KTS Thái Ngọc Hùng cho rằng, một đặc trưng của TP Hồ Chí Minh là hệ thống các khoảng trống công cộng. "Mỗi quảng trường, mỗi khoảng trống công viên, dòng sông, kênh rạch có một sắc thái riêng gắn với lịch sử, địa danh... là một bộ phận cấu thành "hồn đô thị". Trong đó, hệ thống kênh rạch hiện có thật sự quý giá", KTS Thái Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, công trình dọc hai bên bờ các tuyến kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh hiện nay đa số là các căn nhà tạm bợ, lụp xụp, xiêu vẹo, chắp vá. PGS.TS.KTS Trịnh Duy Anh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết, đã làm cuộc khảo sát 100 người dân thành phố, trong đó có một số kiều bào vốn là người dân thành phố trước đây, nay định cư ở nước ngoài có dịp về thăm quê hương. Trên 80% số này được hỏi cho rằng, giá như có nhiều dự án làm đẹp các khu nhà ở dọc theo các bờ kênh, giá như kiến trúc ven bờ kênh được đầu tư bài bản hơn sẽ giúp tạo điểm nhấn cho thành phố.
Thực hiện như thế nào?
Hiện TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm giải tỏa, di dời hàng chục nghìn nhà ở ven và trên kênh rạch. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều nhà quy hoạch, kiến trúc đô thị quan tâm là sau khi di dời thì công tác quy hoạch không gian dọc các tuyến kênh rạch này như thế nào để tạo điểm nhấn cho thành phố. Nhìn từ công tác cải tạo các tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm có thể thấy, cảnh quan ven kênh chưa được chú ý đến. KTS Thái Ngọc Hùng cho rằng, nhìn chung về mặt cảnh quan đô thị ven kênh tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều tồn tại như bố cục không gian đô thị rời rạc, chắp vá, tự phát, chưa tạo được bóng dáng kiến trúc đặc trưng; chưa có thiết kế đô thị; chưa có tiêu chí về kiến trúc - cảnh quan; chưa có công trình tạo điểm nhấn, đặc biệt là công trình quy mô lớn...
Theo KTS Vũ Thị Hồng Hạnh (Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh), giải pháp cải tạo, phát triển không gian khu vực ven kênh rạch cần mang tính kết nối tổng thể, bảo đảm đặc thù riêng của cảnh quan sông nước của từng tuyến kênh. "Với kinh nghiệm thực tế trong việc thực hiện dự án thiết kế đô thị riêng Đại lộ Võ Văn Kiệt và Phạm Văn Đồng, rõ ràng công tác lập thiết kế đô thị riêng cho toàn tuyến kênh rạch cần đi trước một bước. Sau đó tích hợp kết quả vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các quận, phường có ảnh hưởng. Có như vậy các giải pháp cải tạo, phát triển không gian ven kênh rạch mới có tính tổng thể, kết nối", KTS Vũ Thị Hồng Hạnh cho hay. Còn theo KTS Thái Ngọc Hùng, không gian trống dọc các bờ kênh cần phải xây dựng các công trình điểm nhấn, trong đó các công trình công cộng và công viên có giá trị nghệ thuật cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.