Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch - Giám sát - Kiểm tra

Hoàng Thu Vân| 09/11/2010 06:23

(HNM) - Mỗi dự án phát triển kinh tế - xã hội đều nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định. Tuy nhiên trong vấn đề quy hoạch nhiều dự án của chúng ta khi được phản biện đã bộc lộ không ít hạn chế do thiếu tầm nhìn, thiếu tính chiến lược và chưa có sự liên kết giữa các dự án trong một tổng thể.


Lấy thí dụ, có những dự án về mở đường, thực hiện mới được 2-3 năm, hoàn thiện được một, hai giai đoạn (tức là nhiều hạng mục chưa hoàn thành) thì đã lạc hậu. Vậy là người ta phải lập dự án khác, mở thêm một con đường song song với tuyến đường của dự án trên. Hay như chuyện dải phân cách, khi hoàn thành dự án thì rất rộng, nhưng ngay sau đó lại phải lập một dự án khác để xén bớt dải phân cách thành đường vì lưu lượng phương tiện quá lớn trong khi đường quá hẹp… Cái vòng luẩn quẩn đó, nhiều người biện hộ là do "nhà nghèo", thiếu vốn nên khó tránh. Song thực tế là do tư duy "hẹp", tầm nhìn ngắn.

Vậy nên bây giờ, với các dự án, những cụm từ như tầm nhìn 2020, 2030, thậm chí là 2050... hay được nhắc đến. Nhưng thêm một cụm từ với sự thay đổi về tư duy quy hoạch là cả một vấn đề.

Cùng với sự quan trọng của vấn đề quy hoạch là công tác kiểm tra, giám sát cả khi bắt đầu thực hiện dự án lẫn khi dự án chính thức đi vào hoạt động. Sau khi xảy ra chuyện vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, thảm họa sinh thái được coi là lớn nhất trong lịch sử chế biến quặng bauxite và alumin, thì tại Việt Nam, đêm 5-11 tại xã Duyệt Chung (thị xã Cao Bằng), đập chắn nước thải tuyển rửa quặng sắt bị vỡ làm hàng ngàn mét khối bùn đất tạo thành một "cơn lũ" từ thượng nguồn đổ xuống, tràn lấp ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa của người dân. Hết ngày 7-11 bùn vẫn ngập quá sâu, giao thông chia cắt, cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhưng điều đó không đáng ngại bằng nỗi lo lượng bùn này là do chất thải công nghiệp tạo ra, chứa nhiều chất độc hại…

Cũng trong hai ngày 6 và 7-11, đoàn công tác của Quốc hội và các bộ, ngành chức năng đã trực tiếp khảo sát dự án xây dựng tổ hợp khai thác bauxite - chế biến alumin Tân Rai và Nhân Cơ (thuộc Lâm Đồng và Đắc Nông). Vấn đề được đoàn công tác đặc biệt quan tâm là việc bổ sung thiết kế an toàn cho hồ chứa bùn đỏ - một trong những hạng mục quan trọng của dự án.

Xét theo góc độ quản lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta dù vẫn còn phải tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện để phù hợp với thực tế, song nếu thực hiện được toàn diện những quy định hiện hành cũng khá là đầy đủ, chặt chẽ. Trong vụ việc "lũ bùn thải" ở Cao Bằng, từ năm 2005 tới nay, Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng đã có hàng loạt vi phạm, nhiều lần bị xử phạt vì xả trộm bùn thải, nhiều chất trong nước thải vượt quá quy định cho phép từ 2 tới 5 lần, xây đập chặn nước thải không có hồ sơ thiết kế báo cáo cơ quan chức năng… Vậy mà DN vẫn vô tư hoạt động cho tới khi xảy ra sự cố, dù rằng điều 49 Luật Môi trường quy định có thể đình chỉ hoạt động của DN nếu dự án vận hành không bảo đảm môi trường…

Nêu một số vấn đề trên để thấy liên kết giữa các "mắt xích" quy hoạch - giám sát - kiểm tra là đặc biệt quan trọng. Thực hiện các "mắt xích" này phải là những con người thực sự có trình độ, năng lực, có tư duy, tầm nhìn và có trách nhiệm với công việc. Nếu đội ngũ cán bộ làm những công việc này không đủ Tâm và Tầm thì dù luật pháp có chặt chẽ thế nào chăng nữa khi triển khai thực hiện vẫn sẽ bộc lộ những lỗ hổng làm nghèo đất nước và gây hậu quả cho xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch - Giám sát - Kiểm tra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.