(HNMO) - Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 1-6, về quy định pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định mới sẽ nảy sinh vô số ”vòng kim cô” cho doanh nghiệp, cho xã hội nhưng không khắc phục được những tồn tại, yếu kém.
Phát biểu tranh luận về quy định phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều sai phạm xảy ra không phải do thiếu pháp luật mà do yếu tố chủ quan từ con người. Tuy nhiên, có tình trạng khi xảy ra sự cố, khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ, thì thường có luồng ý kiến, quan điểm cho rằng, nguyên nhân đến từ cơ chế, pháp luật chưa chặt chẽ, từ đó tiếp tục đưa ra thêm những quy định pháp luật.
”Luật Phòng cháy, chữa cháy đã ban hành từ lâu, chúng ta đâu có thiếu quy định”, đại biểu nói và cho rằng, cần phân tích nguyên nhân từ con người, để có giải pháp căn cơ cho không chỉ phòng cháy, chữa cháy mà còn nhiều vấn đề xã hội hiện nay, nếu không sẽ nảy sinh vô số ”vòng kim cô” cho doanh nghiệp, cho xã hội nhưng không khắc phục được những tồn tại, yếu kém.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ quan tâm đến những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy, rất khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện. Điều này phát sinh thêm kinh phí, vật liệu nên có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, quy định mới về phòng cháy, chữa cháy cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quy định ngành nghề nào phải có quy định chặt chẽ về phòng cháy, chữa cháy...
Đại biểu cho rằng, cần xem xét thời gian áp dụng quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy mới cho phù hợp, có lộ trình, từng bước để xã hội thích ứng. Không nên quy định áp dụng ngay khi các điều kiện chưa được sẵn sàng. Khi điều chỉnh quy định cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy, nổ.
Đại biểu Đoàn Đồng Nai cũng đề nghị cần phân loại ngành nghề để áp dụng quy chuẩn ngành nghề nào nguy cơ cháy cao thì phải quy định đầu tư phòng cháy, chữa cháy thật tốt; ngành nghề nào khó cháy, thậm chí là không thể cháy thì không nên bắt buộc đầu tư quá nhiều cho chi phí phòng cháy, chữa cháy. Phần lớn kết luận nguyên nhân gây ra cháy, nổ là do chập điện. Do vậy cần sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn an toàn thiết kế và thiết lập hệ thống điện trong dân dụng và điện công nghiệp.
“Tôi mong những vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy tiếp tục được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nước nhà”, đại biểu nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.