(HNM) - Bất cập của hệ thống pháp luật về giá hiện hành dẫn đến tình trạng liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực, làm
Tuy nhiên, một số đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật Giá chưa tạo lực đẩy tăng sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời có nguy cơ làm khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý khi thực hiện.
Định giá quá nhiều sẽ mất tính cạnh tranh. Ảnh: Chí Lâm
Bộ Tài chính khẳng định, Luật Giá được xây dựng xuất phát từ yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá. Theo dự thảo luật này, Chính phủ sẽ sử dụng một cơ chế hỗn hợp cả "bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình" trong quản lý giá. Bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường và thực hiện điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính phù hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cả người bán, người mua. Cụ thể, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước bình ổn giá. Đồng thời, các tổ chức này phải có nghĩa vụ niêm yết giá theo căn cứ định giá, quy chế tính giá của Nhà nước, phải đăng ký giá bán, giá mua, thậm chí lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định...
Không ít băn khoăn
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, phạm vi hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được Bộ Tài chính đề xuất quy định trong danh mục là quá rộng. Từ hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của con người như muối hạt, đường ăn, gạo tẻ đến điện, khí dầu mỏ hóa lỏng, gây ảnh hưởng đến luật cung cầu của thị trường. Băn khoăn của nhiều chuyên gia pháp luật, kinh tế hiện nay là với một số mặt hàng, doanh nghiệp nhà nước ở thế độc quyền nhưng lại bán theo cơ chế thị trường thì bình ổn như thế nào? Như điện, than, xăng dầu nhà sản xuất luôn kêu lỗ, luật ra rồi có ổn hơn không?
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật "hơi tham" khi đặt ra các nguyên tắc định giá, theo đó vừa bảo đảm yêu cầu thị trường, vừa bảo đảm lợi ích khi quản lý nhà nước cũng như yêu cầu hội nhập, vì vậy rất khó thực hiện. Chẳng hạn, để định giá, căn cứ vào giá thị trường trong nước đã khó rồi, nay lại thêm căn cứ vào giá thế giới và phụ thuộc vào cả khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thì càng khó hơn, nhưng lại thiếu tiêu chí để tính toán.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc ban hành Luật Giá là các quy định phải phù hợp với cơ chế thị trường, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ cung - cầu. Do đó, Nhà nước chỉ nên thể hiện vai trò quản lý dưới góc độ là cơ quan ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và có điều tiết ở mức độ nhất định. Đồng thời, Nhà nước cũng chỉ nên điều chỉnh, can thiệp trực tiếp vào giá cả bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu khi thị trường có biến động lớn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Việc định giá phải tính toán hết sức chặt chẽ, vì nếu định giá nhiều quá sẽ mất tính cạnh tranh.
Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Một mâu thuẫn hiện nay, điện là một trong những mặt hàng Bộ Tài chính kiến nghị phải bình ổn giá, nhưng đây cũng là sản phẩm trong tháng 4 này Bộ Công thương đã yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều tiết giá theo quy luật thị trường. Rõ ràng, đề xuất này nếu được thực hiện sẽ đối chọi với dự thảo Luật Giá với nội dung duy trì việc định giá mặt hàng này. Trong khi đó, cái lý của Bộ Công thương đưa ra lại rất sát với thực tế. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nhà nước không nên can thiệp vào giá điện để có được thị trường điện cạnh tranh toàn diện và thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu điện như thời gian qua. Về vấn đề này Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng xác nhận, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý, do đó chưa thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện, đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Việt Nam cần cố gắng tiến đến mục tiêu tính đúng, tính đủ giá điện theo cơ chế thị trường. Nhà nước càng can thiệp, càng khó cho việc huy động xã hội hóa vì mục tiêu phát triển.
Trên thực tế, không chỉ với giá điện, đối với giá thuốc, giá sữa, việc can thiệp bằng các biện pháp hành chính trong thời gian qua không mang lại hiệu quả, giá vẫn tăng, không ngăn chặn được các nhà phân phối "làm giá". Giá cao vì phụ thuộc vào giá nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc vào giá thị trường quốc tế. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi Nhà nước không can thiệp quá sâu vào quy luật cung cầu và có chính sách ưu đãi sản xuất trong nước phát triển bằng các biện pháp hỗ trợ người sản xuất, bảo đảm nguồn cung dồi dào, chi phí phân phối thấp thì người tiêu dùng mới được hưởng mức giá hợp lý. Với cách xây dựng luật hiện nay, dự thảo luật chưa ưu tiên mục tiêu tạo khung pháp lý về giá nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, khuyến khích cạnh tranh, xác định cơ chế định giá, giảm thiểu sai sót, gian lận trong thẩm định giá và bảo vệ người tiêu dùng. Nội dung của dự thảo luật cũng chưa chú trọng đến các quy định nhằm xác định cơ chế cạnh tranh về giá như: đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận giá... Đây là những vấn đề, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu tiếp tục khắc phục, để Luật Giá mang lại hiệu quả thiết thực khi được thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.