(HNM) - Đến ngày 16-12 tới Nghị định 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài có hiệu lực thi hành.
Nhưng dư luận đang có ý kiến cho rằng nhiều nội dung khi triển khai sẽ không khả thi.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) - cơ quan soạn thảo, Nghị định 145 ra đời nhằm điều chỉnh việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm thống nhất, khoa học, tránh rườm rà, tốn kém. Nhưng dư luận lại đang có nhiều ý kiến trái chiều. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Về chủ trương, tôi hoàn toàn đồng tình với việc ban hành nghị định. Tuy nhiên, đúng là nội dung của nghị định cần phải được xem xét một cách thấu đáo từ đối tượng, phạm vi điều chỉnh, tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi đến chế tài cũng như ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo. Đặc biệt, ngay về căn cứ pháp lý của Nghị định 145 cũng có vấn đề. Vì tuy hàm chứa nhiều nội dung đa ngành nhưng nghị định chỉ căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Thi đua, khen thưởng. Trong khi đó, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí mấy năm nay rồi và một trong những mục đích yêu cầu của việc ban hành nghị định này là “bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức”.
- Nghị định 145 cấm cả tặng quà trong buổi lễ. Liệu đây có là sự cản trở, thậm chí hạn chế quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp không?
- Vấn đề này liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh. Nghị định cần phân loại, đưa ra các quy chuẩn cho tương thích với từng nhóm đối tượng sẽ hợp lý hơn. Đơn cử, với các cơ quan nhà nước, điểm đặc trưng là sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ hoàn toàn có quyền và cần phải đưa ra những quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục, trình tự; nội dung buổi lễ; nguyên tắc chi tiêu nhằm bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả trong ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua… Nhưng với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản về ngân sách, không nên can thiệp quá sâu như đề cập tại khoản 3, Điều 23 về trang phục “không dùng phù hiệu, “nơ”, hoa cài ngực…”; hoặc tại Điều 24 quy định về biểu diễn nghệ thuật, tặng quà, chiêu đãi có ý: “thời gian biểu diễn không quá 30 phút và được ghi rõ trong giấy mời”; “không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng”. Tôi chia sẻ với ý kiến của một số người cho rằng, đây là dịp để các tổ chức kinh tế - xã hội thể hiện những thành tích, những dấu ấn cần được xã hội biết và tôn vinh. Ở mức độ nào đó, đây cũng là một hình thức cần thiết để quảng bá hiệu quả hoạt động của những tổ chức này.
- Dư luận còn cho rằng Nghị định 145 có quy định “chỉ kính thưa họ tên và chức danh lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở TƯ và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị” là quá máy móc, khó áp dụng, thưa ông?
- Đúng. Nội dung này của nghị định chưa đạt độ chuẩn mực, trong sáng. Ngay việc tách bạch “TƯ” với “ban, bộ, ngành” và đặt giữa hai cụm từ này một liên từ “và”, theo tôi hoàn toàn không chính xác. Ai cũng hiểu “TƯ” bao gồm cả “ban, bộ, ngành”. Do tối nghĩa, nên quy định này đang gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Có người khi đọc thì cho rằng chỉ kính thưa họ tên, chức danh của một người có chức vụ cao nhất tại buổi lễ. Cũng có cách hiểu phổ biến của nhiều người trong trường hợp này là lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở TƯ (từ Phó Thủ tướng trở lên) và lãnh đạo cao nhất của ban, bộ, ngành (đây cũng là TƯ) và cả địa phương, đơn vị.
- Nhiều bạn đọc của Hànộimới còn băn khoăn về tính khả thi của Nghị định 145 vì nhiều quy định cấm nhưng không có hướng dẫn chi tiết thi hành, không có chế tài xử phạt. Xin ông cho biết ý kiến về nội dung này?
- Trong nhóm đối tượng phải thực thi Nghị định 145 bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân, CBCCVC trong bộ máy nhà nước, sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng vũ trang; những đối tượng này khi có hành vi vi phạm các quy định của nghị định, hoàn toàn có thể bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc… Không loại trừ xử lý theo quy định của pháp luật hình sự nếu có chứa hành vi tham nhũng. Do đó, nghị định cần phải quy định rõ chế tài. Nếu không có các quy chuẩn, nghị định cấm cũng không có tác dụng gì.
- Nhìn tổng thể về hồ sơ của nghị định, có đủ cả dự thảo, tờ trình, ý kiến tham gia cho đến công văn thẩm định của Bộ Tư pháp. Như vậy, về mặt thể thức, thủ tục là đầy đủ. Vậy tại sao một nghị định nhiều “sạn” đến vậy lại vẫn có thể thông qua?
- Tại Công văn thẩm định của Bộ Tư pháp có nêu vấn đề đưa tổ chức kinh tế (chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp) ra khỏi đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Đáng tiếc, ý kiến này không được quan tâm. Những thông tin trong hồ sơ của Nghị định 145 cho thấy, nghị định được ban hành ngày 29-10 vừa rồi. Tuy nhiên, việc thẩm định của Bộ Tư pháp lại được thực hiện trước đấy hơn một năm. Tôi ít thấy dự thảo nào từ lúc thẩm định tới lúc thông qua lại kéo dài lâu như vậy. Chắc là quá trình xem xét, hoàn thiện và thông qua dự thảo cũng có nhiều vấn đề được đặt ra. Tôi cũng không hiểu là dự thảo được gửi thẩm định với dự thảo trình Chính phủ xem xét, thông qua có phải là một hay không. Theo Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp thẩm định ở đây là thẩm định, phản biện để Chính phủ có cơ sở thảo luận, xem xét thông qua, chứ không phải khi thẩm định là một dự thảo, đến khi trình Chính phủ lại là một dự thảo khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.