Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định mới về in ấn, quản lý sử dụng tem rượu

Theo LP/Chính phủ| 17/04/2020 17:06

Kể từ 7-5-2020, đối với mặt hàng rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu, doanh nghiệp (DN) sẽ tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem và báo cáo với cơ quan hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu số lượng tem thực sử dụng trước khi thông quan.

Nhân viên hải quan kiểm tra rượu nhập khẩu.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 15/2020/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu, có hiệu lực từ 7-5-2020.

Thông tư số 15/2020/TT-BTC quy định DN thực hiện và chịu trách nhiệm việc dán tem đối với rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu. Trong trường hợp này DN còn phải báo cáo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu số lượng tem sử dụng trước khi thông quan. Đối với rượu dạng thùng, téc nhập khẩu về đóng chai, DN phải dán tem rượu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường.

Cơ quan hải quan thực hiện bán tem rượu nhập khẩu cho các DN nhập khẩu rượu khi đến làm thủ tục hải quan. Cơ quan thuế bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp).

Tổng cục Hải quan thực hiện in, phát hành tem rượu nhập khẩu. Tổng cục Thuế thực hiện in, phát hành tem rượu sản xuất trong nước. Tem sản phẩm rượu nhập khẩu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực.

Cơ quan hải quan các cấp thực hiện việc cấp, bán tem rượu nhập khẩu phải mở sổ sách theo dõi chi tiết số tem tồn đầu kỳ, số tem nhận, số tem bán cho DN nhập khẩu, số tem mất, hỏng trong kỳ, số tem tồn cuối kỳ và thực hiện báo cáo quý, 6 tháng, năm về tình hình sử dụng tem của đơn vị mình, gửi cơ quan hải quan cấp trên theo quy định.

Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) bảo đảm khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại. Trường hợp nhập khẩu thùng, téc lớn về chiết ra chai hoặc sản xuất rượu thành phẩm thì thùng, téc không phải dán tem.

Ngoài ra, Thông tư số 15/2020/TT-BTC cũng nêu rõ, không phải dán tem trên bao bì sản phẩm là rượu trong 3 trường hợp: Rượu sản xuất thủ công để bán cho các DN có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu; rượu bán thành phẩm nhập khẩu quy định tại Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP; rượu nhập khẩu quy định tại Điều 31 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới về in ấn, quản lý sử dụng tem rượu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.