Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định cụ thể một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tiến Thành| 14/12/2022 11:57

(HNMO) - Sáng 14-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười tám, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo.

Bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia, dự thảo luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ cơ bản, giao Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia và quy định chi tiết điều về Hội đồng Y khoa quốc gia.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật được chỉnh lý cụ thể hơn theo hướng hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.

Về nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc sử dụng ngân sách nhà nước và điều chuyển ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, do đó, không quy định nội dung “nguồn ngân sách nhà nước không cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện tự chủ mà cần được dành để chi cho việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng cần phải chi trả thông qua cơ chế đặt hàng và ngân sách nhà nước” trong dự thảo luật.

Dự thảo luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Theo đó, khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ quy định chi tiết. Dự thảo luật dự kiến bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế vào các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh vào nội dung của xã hội hóa.

Quang cảnh phiên họp về tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo luật còn có 8 nhóm điểm mới liên quan đến người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Bảo đảm yêu cầu để xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai

Thảo luận về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm, Hội đồng Y khoa quốc gia cần thiết được quy định trong luật, là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu quy định về Hội đồng Y khoa như trong dự thảo luật thì chưa rõ tính pháp lý, tổ chức này trực thuộc ai, quan hệ với các cơ quan y tế ra sao, từ đó sẽ gây khó khăn cho Chính phủ nên cần quy định cụ thể hơn nội dung này. Về phân cấp chuyên môn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định đầy đủ hơn tiêu chí, điều kiện và yêu cầu bảo đảm khác đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật; làm rõ cách thức kết nối giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, các nội dung đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nỗ lực, nghiêm túc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cố gắng đóng góp ý kiến tối đa để còn thời gian tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, trình được Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ hai. Nếu thông qua được tại kỳ họp này, sẽ có khoảng 1 năm để Chính phủ chuẩn bị các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận.

Đóng góp một số ý kiến vào dự thảo luật, đáng chú ý, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, quy định “người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” rất khó khả thi trong thực tế.

“Sau khi thành lập các hội đồng quản lý tại các bệnh viện cũng chưa rõ ai là người đứng đầu, ai là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với cơ sở khám, chữa bệnh... Cần chỉ thẳng ra là ai, là giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản lý”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị rà soát lại quy định pháp luật để quy định cụ thể.

Về các điều kiện bảo đảm về tài chính, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ nội dung này trong dự thảo luật còn lúng túng, nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính, luật hóa một số quy định. Về vấn đề tài chính, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nên quy định theo hướng tự chủ hoàn toàn về tài chính thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy nhân sự theo quy định của pháp luật; quy định cơ quan nào đã tự chủ hoàn toàn về tài chính thì phải thực hiện kế toán và kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên họp.

Sau khi cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan từ nay đến ngày 24-12, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nếu bảo đảm yêu cầu thì sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai (dự kiến vào tháng 1-2023).

Về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế, Chính phủ đề xuất 4 nhóm chính sách: Kết thúc thời hạn hiệu lực của các chính sách này đến hết ngày 31-12-2022, theo đúng quy định của nghị quyết; trong trường hợp dịch có diễn biến phức tạp ở cấp độ 3, cấp độ 4 thì được phép áp dụng biện pháp "ngừng hoạt động" hoàn toàn đối với các cơ sở, dịch vụ và việc đi lại, tập trung đông người của người dân; thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh cho đến khi công bố hết dịch; tiếp tục miễn thực hiện kê khai, công bố giá đối với vắc xin mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân cho đến khi công bố hết dịch.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Sau khi thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, các kiến nghị phải có căn cứ thuyết phục để trình Quốc hội xem xét. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với sự cần thiết cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo đề xuất của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định cụ thể một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.