(HNMO) - Chiều 12-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý phát triển đô thị.
Thuyết minh về sự cần thiết ban hành luật, Chính phủ nêu nhiều hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển đô thị thời gian qua, như chất lượng đô thị chưa cao, triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải, nguồn lực cho phát triển đô thị còn thiếu...
Trong khi đó, quy định pháp luật về phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và bao quát. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, dự thảo luật gồm 7 chương, 66 điều thể chế hoá 6 nhóm chính sách về phát triển đô thị về chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, hạ tầng, quản lý đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng hoá nguồn lực, quản lý nhà nước với kỳ vọng tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho quản lý, phát triển đô thị theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.
Tán thành việc cần thiết xây dựng luật, song cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận cho rằng, để luật đi vào đời sống, cần quy định chi tiết hơn những điều, khoản về nguyên tắc áp dụng; giảm các điều giao Chính phủ quy định. Đề cập cụ thể hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, ban soạn thảo nên nêu rõ vấn đề đền bù, thu hồi đất trong phát triển đô thị. Bởi thực tế, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, siêu nhỏ, những bất ổn khiếu nại, khiếu kiện đông người, phần lớn đều xuất phát từ cơ chế bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận (ảnh: Quochoi.vn). |
* Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Thông tin đáng lưu ý trong báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày là tình trạng không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu diễn ra ở nhiều nơi. Đến hết năm 2017, vẫn còn 17/35 bộ, cơ quan ở trung ương; 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 16/22 tập đoàn, tổng công ty chưa ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 gửi về Bộ Tài chính. Rất nhiều đơn vị chưa gửi báo cáo kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Viễn thông quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội)... Riêng TP Hồ Chí Minh gửi nhầm báo cáo của năm 2016.
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, còn nhiều hạn chế chậm được khắc phục, đã và đang gây sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước và trong sản xuất, đời sống của nhân dân. Điển hình là chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công theo cơ chế tự nguyện, ít người đăng ký áp dụng. Theo số liệu về công tác thanh tra, kiểm toán, năm 2017 phát hiện vi phạm về kinh tế gần 68.000 tỷ đồng, hơn 17.500ha đất; kiến nghị xử lý hành chính gần 2.100 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc với 192 đối tượng. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước phát hiện thừa biên chế trong khu vực nhà nước hơn 57.000 người…
Để đạt hiệu quả cao trong năm 2018, Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước. Cụ thể, phấn đấu tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước 12% đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương; giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.
Các ý kiến phát biểu tại phiên họp tập trung đề cập đến sự vào cuộc của các đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, báo cáo về nội dung này đã được Quốc hội cho lùi từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm sau, vậy mà nhiều cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc, chứng tỏ nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa “thấm” đến từng cơ sở. Các đại biểu cũng cho rằng, báo cáo còn ít số liệu so sánh, chưa biểu dương hay phê phán, đề nghị xử lý trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương nào một cách cụ thể và đề nghị bổ sung.
Phản hồi ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong ngày 12-4 sẽ đề nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu những đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện việc báo cáo theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Nghị quyết thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.