(HNMO) – Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã được thông qua chiều 26/6 với 92,71% đại biểu tán thành.
Theo nghị quyết, Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; trả lời và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương nghiên cứu để trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước chưa được giải quyết để báo cáo Quốc hội.
Với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Rà soát và bổ sung các chính sách có liên quan để thực hiện tốt hơn việc liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến. Xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản;
Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp;
Tổ chức sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; đẩy nhanh việc giao đất, giao rừng cho tổ chức và người dân; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách để người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có được thu nhập từ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống. Đến hết năm 2016, cơ bản hoàn thành việc trồng bù diện tích rừng bị mất khi thực hiện các dự án thủy điện. Sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân ở vùng thường xuyên xảy ra hạn hán; nhất là các giải pháp về khoa học, công nghệ;
Rà soát loại bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong nông nghiệp; hoàn thiện và tổ chức thực hiện, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, diêm dân, ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ, bảo đảm an toàn, tạo niềm tin và động lực cho người dân bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đối với lĩnh vực công thương, Chính phủ cần tổ chức hệ thống phân phối, thương mại trong nước một cách khoa học, hiệu quả, đảm bảo thông suốt từ sản xuất, gia công, chế biến, đến lưu thông, tiêu dùng; có biện pháp tích cực, cụ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo chuyển biến rõ nét trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước, thích ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và thế giới; Khuyến khích mọi nguồn vốn đầu tư cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Bảo đảm đến năm 2016 có thị trường thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, trước năm 2021 có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ở từng địa phương và trong cả nước; hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao…
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần khẩn trương, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến khoa học và công nghệ; phát triển thị trường khoa học, công nghệ đồng bộ, hoạt động theo cơ chế thị trường; hoàn thiện và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ trong nước, để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và người dân trong việc nghiên cứu sáng chế, ứng dụng, sáng kiến cải tiến khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống...
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết; chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Tổ chức thực hiện tốt, tổng kết, đánh giá kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới kỳ thi, bảo đảm tổ chức kỳ thi ổn định trong những năm tiếp theo, giảm áp lực cho học sinh, giảm chi phí cho xã hội;
Hoàn chỉnh hệ thống văn bản về đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới; chỉ đạo và hỗ trợ các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục tập huấn, rút kinh nghiệm về đánh giá học sinh cho giáo viên, cán bộ quản lý; hướng dẫn, động viên học sinh phát huy khả năng của bản thân; tuyên truyền, giải thích để phụ huynh học sinh hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc đổi mới phương pháp đánh giá học sinh tiểu học.
Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và báo cáo kết quả với Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.