Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội luôn đồng hành, gắn bó với nhân dân

Hà Phong| 31/12/2015 06:38

(HNM) - Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên là bước mở đường quan trọng cho sự hình thành, củng cố bộ máy lập pháp và rộng hơn là cả hệ thống chính trị của nước ta, được xây dựng trên nguyện vọng, ý muốn của toàn thể nhân dân.

Toàn dân đi bỏ phiếu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Trần Đình Nhã cho rằng, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu ra QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả khởi nguồn của cuộc Cách mạng Tháng Tám - một cuộc giải thoát vĩ đại, từ địa vị lệ thuộc thành quốc gia độc lập, từ thân phận nô lệ thành công dân tự do. Nhân dân ta đã vùng lên làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng có thể thấy, việc giành lấy chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám mới là bước làm chủ đầu tiên, quan trọng nhất phải là làm chủ trực tiếp - tự bầu ra người mình tin tưởng, giao trọng trách, rồi kiểm soát, giám sát họ.

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I, năm 1946. Ảnh tư liệu


Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, nơi hàng ngày diễn ra các sự kiện trọng đại ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, ngày 6-1-1946, 91,95% cử tri của 74 khu vực nội thành và 118 làng ngoại thành đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân. 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Người đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu, tức 98,4%. Ở các địa phương khác của cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Nhìn chung, ở cả 71 tỉnh - thành trong cả nước, 89% tổng cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu; trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Chặng đường sau đó (giai đoạn 1946-1980), QH đã có những hành động quyết liệt chống giặc ngoài, thù trong, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, kêu gọi nhân dân hăng hái diệt giặc đói, giặc dốt. Thời kỳ 1981-1987, QH thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương, thông qua 10 đạo luật và 35 nghị quyết, 15 pháp lệnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là lần đầu tiên QH đã ban hành Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, thể hiện bước phát triển đáng kể trong hoạt động lập pháp.

Khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, với những đòi hỏi mới, thách thức mới, QH cũng đặt mình trong dòng chảy chung, đấu tranh chống lại những cái cũ, cái trì trệ làm chậm bước phát triển. Hiến pháp 1992 được QH khóa VIII thông qua đã thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tạo nền tảng cho QH tiếp tục xây dựng, thông qua những văn bản pháp luật mới, kịp thời đáp ứng, phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước… Gần đây nhất, tại nhiệm kỳ QH khóa XIII, QH đã cùng với nhân dân cả nước vượt qua nhiều khó khăn để đạt được các mục tiêu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Trong đó, 2 điểm nhấn quan trọng là việc QH thông qua Hiến pháp 2013 và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 tại Hà Nội, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Gắn bó máu thịt với nhân dân

Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là dịp bầu ra QH khóa mới (khóa XIV), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ QH, ĐBQH Đoàn Hà Nội Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh: Một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng trong bầu cử là đưa ra số dư để cho cử tri lựa chọn người xứng đáng nhất. Nếu bầu ba người thì phải có số dư tối thiểu hai người, nếu bầu bốn phải có số dư tối thiểu ba người. Chúng ta cũng không nên quan niệm rằng cứ phải số phiếu cao mới tốt mà chỉ cần quá bán thôi. Do vậy, đưa ra nhiều người đủ khả năng để cử tri lựa chọn sẽ càng rộng và thể hiện được sự bình đẳng giữa các ứng cử viên. Để bảo đảm sự bình đẳng giữa các ứng viên, từ tiếp xúc cử tri đến vận động bầu cử phải bình đẳng như nhau…

Ngoài quy định chặt chẽ quy trình bầu cử để nhân dân có cơ sở lựa chọn người xứng đáng nhất, trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND... đã ghi nhận đầy đủ hơn trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri và nhân dân, tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các ĐBQH được nhân dân tin tưởng lựa chọn thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm nhân dân ủy quyền. Trước hết đó là trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ ĐBQH đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh ý kiến của cử tri và nhân dân trước nghị trường; trách nhiệm trực tiếp trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Song song đó, là trách nhiệm thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất vấn các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn; trách nhiệm nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của người ĐBQH.

Chính vì vậy, tới đây, QH năm 2016, bên cạnh hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân ta, mỗi đại biểu dân cử nói riêng và cơ quan dân cử nói chung cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ cơ bản được nhân dân ủy quyền. Đó chính là việc làm thiết thực nhất thể hiện trách nhiệm của từng đại biểu, của cơ quan dân cử với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội luôn đồng hành, gắn bó với nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.