Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm với chức danh tương đương bộ trưởng trở lên

Hà Phong| 27/04/2012 13:54

(HNMO) - Ngày 27-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận trực tuyến với các Đoàn Đại biểu QH về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.


Một trong những nội dung quan trọng nhất của đề án nêu trên là: đổi mới hoạt động của QH được xem xét trên cả 3 chức năng cơ bản của QH là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, hằng năm tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai, người không đủ phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu QH hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức. Nếu đề án này được QH thông qua tại kỳ họp thứ 3, diễn ra vào tháng 5 tới đây, việc bỏ phiếu tín nhiệm có thể được tiến hành từ năm 2013.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra cuối kỳ họp QH, QH dành toàn bộ thời gian tại hội trường cho các “tư lệnh” ngành trả lời câu hỏi trực tiếp theo từng nhóm vấn đề người dân quan tâm. Ngoài ra, hoạt động chất vấn còn tổ chức thêm ít nhất hai lần/năm tại phiên họp UBTVQH, tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp và trực tuyến để đại biểu, nhân dân theo dõi. Nghị quyết về trả lời chất vấn và trả lời chất vấn sẽ nêu rõ những nội dung tán thành, không tán thành với ý kiến người trả lời chất vấn.

Bên cạnh các nội dung quan trọng kể trên, đề án cũng nhấn mạnh việc tiếp xúc cử tri cũng cần đổi mới theo hướng hạn chế thủ tục hành chính, công khai lịch gặp gỡ, đa dạng hóa cách thực hiện để đại biểu QH có thể nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Quá trình thảo luận, vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau là đề xuất hằng năm tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Theo Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga: “QH bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao là vấn đề đã được luật hóa, đề nghị sớm triển khai nhưng cần xem xét lại đối tượng, chỉ nên bỏ phiếu với chức danh tương đương bộ trưởng trở lên”. Về thời gian bỏ phiếu, đề án đề xuất tiến hành hàng năm, nhiều ý kiến cùng cho rằng chưa hợp lý. Vì một nhiệm kỳ của Bộ trưởng là 5 năm, nếu sau năm đầu tiên đã đánh giá Bộ trưởng làm hay chưa làm được gì, nhất là trong trường hợp không có chương trình hành động, thì rất khó bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó, nên tiến hành việc bỏ phiếu tín nhiệm từ năm thứ 2 trở đi trong nhiệm kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm với chức danh tương đương bộ trưởng trở lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.