(HNMO) – Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến hai quốc gia này chịu tổn thất hàng tỷ USD và gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một số ít quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến này.
Việt Nam
Theo SCMP, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng khoảng 7% trong năm 2018, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng đối với nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Bên trong nhà máy lắp ráp ô tô ở Hải Dương, Việt Nam. |
Số liệu thống kê cho thấy, trong quý 1 năm nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam đã tăng 86,2% lên mức 10,8 tỷ USD. Trong lĩnh vực xuất khẩu, chỉ tính riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã tăng vọt 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Tommy Wu, chuyên gia phân tích kinh tế tại hãng tư vấn Oxford Economics, Hong Kong (Trung Quốc) nhận định: “Trong ngắn hạn, Việt Nam nhiều khả năng sẽ là đối tượng được hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, nhờ vị trí địa lý gần Trung Quốc, chi phí nhân công rẻ cũng như các chính sách khuyến khích thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài”.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2019, các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất nội thất và may mặc.
Malaysia
Malaysia được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như sản xuất khí hóa lỏng, công nghệ viễn thông, chế tạo mạch tích hợp điện tử... So với nhiều quốc gia láng giềng, mức lương của người lao động Malaysia tương đối cao, khoảng 10.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, Malaysia có lợi thế ở cơ sở hạ tầng khá hiện đại, lao động có tay nghề cao và môi trường kinh doanh ổn định.
Lao động có tay nghề cao là một lợi thế thu hút đầu tư của Malaysia. |
Thái Lan
Ngoài Malaysia và Việt Nam, Thái Lan cũng có thể là một lựa chọn để nhiều doanh nghiệp chuyển dịch chuỗi cung ứng. Trong đó, các lĩnh vực được dự báo sẽ thu hút nguồn đầu tư lớn nhất là điện tử và sản xuất linh kiện ô tô.
“Khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ là các mặt hàng cơ khí và điện tử. Trong thời gian tới, con số này có thể còn tiếp tục tăng mạnh. Lĩnh vực sản xuất ô tô của Thái Lan có thể tăng trưởng vượt bậc do một số nhà sản xuất ô tô chuyển địa điểm sản xuất tới quốc gia này hoặc đẩy mạnh dây chuyền sản xuất đang có tại đây”, ông Sundi Aiyer, chuyên gia tư vấn độc lập về quản trị chuỗi cung ứng dự báo.
Myanmar
Myanmar được dự báo sẽ là thị trường tiềm năng để Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nông lâm sản và thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng đồ gỗ, thịt gia súc và cá, thay vì nhập khẩu từ Mỹ.
Những cải cách mạnh mẽ của Myanmar về luật đầu tư cũng có thể sẽ thu hút nhiều nhà sản xuất chuyển nhà máy tới các đặc khu kinh tế được thành lập từ năm 2017, thay vì đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.
Bangladesh
Kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ, nhiều doanh nghiệp dệt may Bangladesh, trong đó có Tập đoàn Viyellatex cho biết, việc kinh doanh của họ đã khởi sắc. Nguyên nhân là do việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đã khiến giá thành nhiều mặt hàng trở nên đắt đỏ. Vì vậy, các nhà nhập khẩu đã chuyển hướng sang các thị trường có mức giá rẻ hơn. Khi đó, Bangladesh, thị trường xuất khẩu đồ may mặc lớn thứ hai thế giới nổi lên là một lựa chọn lý tưởng.
Sản xuất dệt may tại Bangladesh. |
“Trước đây, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, nhưng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Mỹ”, ông David Hasanat, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Viyellatex của Bangladesh cho biết.
Trong năm 2018, doanh thu của công ty đạt khoảng 200 triệu USD và con số này có thể còn tiếp tục tăng mạnh. Hiện nay, cứ 10 khách hàng của Viyellatex có 3 khách hàng Mỹ, trong đó bao gồm nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Calvin Klein và Tommy Hilfiger.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.