Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng là chất lượng, hiệu quả

Tuấn Kiệt| 06/11/2014 05:44

(HNM) - Hôm qua, bàn về dự thảo Luật Dạy nghề, các đại biểu đã tranh luận khá mạnh về tên gọi của luật, rồi về trường nào do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, nghề nào do Bộ GD-ĐT dạy. Âu đó cũng là việc cần thiết trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống giáo dục dạy nghề nước nhà.


Nhưng xét cho cùng, điều quan trọng hơn đối với giáo dục dạy nghề hiện nay nằm ở vấn đề đang đòi hỏi cấp bách là chất lượng đào tạo. Ai cũng biết, trong những năm gần đây Việt Nam luôn giành giải cao trong các cuộc thi tay nghề ở khu vực. Ngay tại cuộc thi tay nghề ASEAN 2014 vừa được tổ chức, đoàn Việt Nam đứng đầu với 15 HCV. Thế nhưng cũng thật nghịch lý khi gần đây vấn đề năng suất lao động của ta lại bị đánh giá rất thấp, chỉ bằng 2/5 người Thái và kém người Singapore tới 15 lần. Lâu nay chúng ta vẫn tự hào là quốc gia có lợi thế về "xuất khẩu lao động", nhưng sự thật thì giá trị lao động của ta so với nhiều nước vẫn thấp, khi phải cạnh tranh, lao động Việt Nam cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Có thể nói, chất lượng lao động kém, năng suất thấp phần nhiều do công tác đào tạo, dạy nghề thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cơ chế sử dụng lao động cũng thiếu đồng nhất, không thúc đẩy được thị trường lao động. Trong khi chúng ta phải thừa nhận với nhau về tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" thì các trường nghề vẫn đang "khóc dở, mếu dở" mỗi mùa tuyển sinh. Dễ nhận thấy, thanh niên không hào hứng với học nghề bởi các chương trình đào tạo chưa đáp ứng đúng nguyện vọng của họ. Trong khi họ muốn nhanh chóng học lấy một nghề để kiếm sống thì chương trình học lại cứng nhắc khi bắt học viên phải kẽo kẹt 2-3 năm vừa học nghề vừa học… văn hóa. Thường có tình trạng lúc chọn nghề học thị trường có nhu cầu, nhưng đến khi học xong thì chẳng công ty nào nhận. Ngoài ra, sẽ chẳng thể khuyến khích được thanh niên vào các trường nghề nếu như các nhà tuyển dụng vẫn răm rắp một điều kiện "tốt nghiệp đại học", ngay cả cho những vị trí công việc chỉ cần bằng trung cấp nghề là đủ.

Đào tạo thì như vậy, công tác quản lý cũng nhiều vướng mắc không kém. Trong khi thực tế đang đòi hỏi các cấp quản lý phải làm sao khuyến khích được dạy nghề, làm sao tăng được năng suất lao động, đủ sức cạnh tranh với lao động các nước ở thị trường quốc tế, thì thật tiếc là các nhà quản lý còn bận tranh luận nảy lửa xem đào tạo giáo viên nên thuộc ngành giáo dục hay thuộc ngành lao động. Thực tế cho thấy sự chồng chéo giữa các chương trình đào tạo bậc cao đẳng và nghề dẫn đến nhiều bất cập trong tuyển sinh, đào tạo. Đến nay, việc quy về một mối có thể xem là cần thiết, nhưng quản lý và quy hoạch lại như thế nào để có hiệu quả nhất, cải thiện căn bản vấn đề chất lượng lao động lại là điều "chưa thông".

Nhưng dù có quyết định thế nào thì vấn đề cốt lõi là luật phải mang lại cho người dân cơ hội thuận lợi nhất để tiếp cận đào tạo, nâng cao năng suất lao động, tiếp cận cơ hội việc làm và tăng thu nhập. Vì thế, khi xây dựng chính sách pháp luật, cần thiết phải bảo đảm tính thực tiễn và đặc biệt phải tạo được lực hấp dẫn cao với học nghề. Người học nghề ra phải làm được việc và tìm được việc làm. Chứ đào tạo nghề mà chỉ như "luyện gà nòi", thừa khả năng giành giải "bàn tay vàng" trong các kỳ thi nhưng thiếu kỹ năng làm việc và đặc biệt năng suất lao động chỉ bằng phần ba, thậm chí phần năm, phần mười lao động các nước láng giềng thì thật đáng buồn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là chất lượng, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.