Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để công tác đào tạo nghề bắt kịp sự phát triển của thế giới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các giải pháp và mô hình cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đang phải đối mặt nhiều thách thức.
Những khó khăn, thách thức
Ứng dụng công nghệ số trong giáo dục nghề nghiệp là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, góp nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học sinh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng, từng bước xây dựng học liệu số, đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để bảo đảm chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đánh giá, quá trình chuyển đổi số vẫn gặp nhiều thách thức. Trong đó, thách thức đầu tiên là thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi cơ sở đào tạo, trong bối cảnh vẫn còn tình trạng một bộ phận giảng viên chưa thích nghi kịp với công nghệ mới, chưa sẵn sàng cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Chưa kể một bộ phận người học ngại thay đổi theo phương thức đào tạo mới.
Ông Nguyễn Hồng Dân cũng chỉ ra một số thách thức cơ bản, bao gồm việc phát triển công nghệ mới trong đào tạo và quản lý còn chưa được quan tâm đầu tư. Trong khi đó, công tác số hóa các dữ liệu đòi hỏi phải có thời gian, công sức, bởi số hồ sơ, tài liệu, chương trình, giáo trình, giáo án… dạng giấy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là khối lượng khổng lồ. Cùng với đó là thách thức về nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, cũng như việc thiếu đồng bộ trong triển khai đầu tư hạ tầng số.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Trong tổng số 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là một mô hình hoạt động tiêu biểu về chuyển đổi số. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết, thực hiện mục tiêu xây dựng “Trường nghề số”, việc chuyển đổi số được nhà trường thực hiện đồng bộ, áp dụng với cả người dạy, người học, nhà quản lý, đồng thời, chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ, đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo, quản trị…
Nhà trường cũng đặt ra lộ trình chuyển đổi số rõ ràng. Trong đó, năm 2024-2025, tập trung đầu tư hạ tầng mạng, máy chủ, cài đặt các phân hệ platform, thử nghiệm, triển khai e-learning (dạy và học trực tuyến), tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về chuyển đổi số. Năm học 2025-2026, sẽ triển khai phòng học tiên tiến, thử nghiệm thực tế ảo, xây dựng Trung tâm Nội dung số, học liệu số…
Từ thực tiễn chuyển đổi số hiệu quả tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh chia sẻ, bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số là phải ưu tiên đầu tư tập trung xây dựng nền tảng, công nghệ đồng bộ, hoàn chỉnh, thường xuyên. Cùng với đó, phải kết hợp xã hội hóa đầu tư thiết bị đầu cuối cho học sinh sinh viên (đặc biệt là sinh viên nghèo, khó khăn...) và tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia.
Để thúc đẩy chuyển đổi số đối với giáo dục nghề nghiệp, Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Lê Thu Trà lưu ý một số giải pháp, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; rà soát, chỉnh sửa các quy định về bảo đảm chất lượng dạy học đối với phương thức dạy và học trực tuyến; tham mưu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc xây dựng phòng thực hành số, giáo trình số, chương trình đào tạo số, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế hỗn hợp (MR)...
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, để Hà Nội có thể ứng dụng được những công nghệ đột phá, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, yếu tố quan trọng chính là đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người trực tiếp tham gia đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ và sự sẵn sàng tiếp nhận công nghệ từ phía người học. Do đó, cần thiết phải tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người dạy trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên về công nghệ thông tin, an ninh mạng...
Quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa giữa dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hệ thống dữ liệu về việc làm, an sinh xã hội, tạo môi trường học tập hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.