Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng hàng đầu là tính khả thi

Thành Tâm| 30/10/2010 06:08

(HNM) - Ngày 29-10, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD). Đây là dự án luật đã được trình bày tại kỳ họp trước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cũng như đại biểu QH. Dự kiến, tại kỳ họp này QH sẽ thông qua Luật BVQLNTD vì vậy các đại biểu QH tiếp tục bày tỏ mong muốn luật hoàn thiện và sớm đi vào cuộc sống...


Người tiêu dùng quá thiệt thòi


Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu ý kiến.   Ảnh: TTXVN


Sở dĩ luật này được mong đợi là do khác với nhiều lĩnh vực pháp luật khác, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, một văn bản pháp luật không thể điều chỉnh tất cả các lĩnh vực. Nói cách khác, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải sử dụng một hệ thống pháp luật điều chỉnh. Chính vì vậy, dự thảo Luật BVQLNTD không quy định lại từng lĩnh vực cụ thể mà tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản pháp luật hiện hành nào điều chỉnh, đặc biệt là tập trung quy định các cơ chế để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) khẳng định, tất cả công dân Việt Nam, thậm chí trẻ em còn trong bụng mẹ hay người đã quá cố đều là người tiêu dùng và thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, có quyền lợi khi luật được ban hành. Nhưng, ngay cả với những nội dung cũ hay những vấn đề mới phát sinh trong quan hệ kinh doanh và tiêu dùng, các đại biểu vẫn nêu thực trạng là người tiêu dùng ở nước ta còn quá thiệt thòi, vừa thiếu hiểu biết vừa chưa được bảo vệ đầy đủ, nên quyền lợi rất hạn chế. Bên cạnh đó, vai trò quản lý nhà nước hay sự hỗ trợ, bênh vực của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất mờ nhạt, chưa được quy định rõ ràng, mang tính pháp quy, cũng như chưa có chế tài đi kèm.

Cần nâng cao tính khả thi của luật

Qua thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để dự án luật quy định cụ thể rõ ràng các nội dung liên quan, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Một trong những đòi hỏi được đại biểu nêu ra là nâng cao tính khả thi của luật, thông qua việc làm rõ khái niệm, quan hệ trong tiêu dùng, thị trường.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, để phù hợp với thông lệ quốc tế, khái niệm người tiêu dùng trong luật chỉ nên khu biệt vào cá nhân mà không nên đề cập khái niệm người tiêu dùng là tổ chức. Không chỉ là câu chữ, nếu quy định như vậy, luật sẽ bảo đảm được yêu cầu tập trung bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng - công dân. Trong mối tương quan ngược lại, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đề nghị làm rõ khái niệm "hàng hóa" bởi thực tế, khái niệm này ngày càng mở rộng nội hàm, đi kèm với đòi hỏi về chất lượng. Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu Võ Thị Dễ (Long An), Bùi Thị Lê Phi (Cần Thơ)... yêu cầu phải có quy định về "mặt hàng" quảng cáo. Bởi, thông tin quảng cáo có tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng, tác động đến quyết định hoặc gây hoang mang cho người mua khi lựa chọn sản phẩm. Trong khi thực tế không ít quảng cáo không trung thực. Tương tự, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề cập đến chất lượng giáo dục, y tế như là một loại hàng hóa.

Ngay cả khi đã xác định được yếu tố "hàng hóa", các đại biểu băn khoăn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Thực tế, nhiều đơn vị, tổ chức kinh doanh cố ý nhập nhằng trong việc công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhưng chưa có chế tài xử lý. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ ra rằng, dự án luật có nêu trường hợp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, người bán hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng lại không nói rõ việc áp dụng hình thức này trong trường hợp nào, mức độ vi phạm đến đâu...

Từ những nội dung thảo luận trên, các đại biểu cho rằng cần phải nâng cao tính khả thi của luật. Các đại biểu Vũ Tiến Lộc, Nguyễn Ngọc Đào... còn chỉ ra hàng loạt điều khoản khó có khả năng thi hành trong thực tế, do điều kiện cơ sở vật chất, quản lý của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, trong một số nội dung, văn bản luật chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến nguy cơ "việc chung không ai lo".

Sáng 29-10, QH thảo luận tại tổ về nội dung dự án Luật Khiếu nại. Nội dung của luật này được xây dựng từ việc tách khỏi Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, cùng với việc tổng kết thực tiễn thi hành luật khiếu nại, tố cáo. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá, dự án luật được soạn thảo nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc theo đúng quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều đại biểu cho rằng cần tiếp tục được "làm mới", bổ sung nhiều vấn đề, khái niệm đã phát sinh trong đời sống xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là tách khỏi luật cũ. Như vậy, việc ban hành luật mới có ý nghĩa.


--- - - - - - -
Bên lề
Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (Đoàn An Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Trao quyền khởi kiện cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung

Trong dự án Luật BVQLNTD nói rõ quan điểm không "hành chính hóa" bất kỳ tổ chức xã hội, cũng như tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD. Hội BVQLNTD được tổ chức theo pháp lệnh và hoạt động theo điều lệ. Luật không quy định ràng buộc gì chức năng nhiệm vụ và tổ chức hoạt động, mà chỉ trao cho hội này một công cụ pháp lý là được khởi kiện các vụ án liên quan đến quyền lợi NTD và lợi ích chung của cộng đồng, cũng như mở ra cho các tổ chức này hoạt động không chỉ vì quyền lợi của bản thân hội viên mà vì NTD nói chung.

Nhiều vụ nhỏ, NTD rất ngại khởi kiện... Do vậy, cách tiếp cận trong Luật BVQLNTD mong muốn đưa vào quy định về thủ tục xét xử rút gọn, nhằm mục đích giảm tải cho hệ thống tòa án hiện nay trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa NTD với các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sản xuất.

Ông Trần Đình Xuân (Đoàn Tây Ninh), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Quy định của pháp luật hiện nay không nói rõ NTD sẽ được bảo vệ cái gì khi họ phát hiện có một sản phẩm kém chất lượng. Thậm chí, có nơi họ quy định mua hàng rồi miễn trả lại. Những quy định ấy về mặt thông lệ quốc tế là không đúng. Người mua hàng có quyền trả lại nếu không ưng ý, miễn là họ chưa làm hư hại và làm giảm chất lượng sản phẩm đó. Tất cả các phương án bán hàng, NTD phải được cung cấp thông tin đầy đủ và được bảo vệ. Việc này sẽ rất tốt cho những người sản xuất chân chính, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh hàng giả, hàng nhái.

Tư Đô ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng hàng đầu là tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.