(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về hoạt động tri ân, chăm sóc người có công nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã, đang và sẽ luôn quan tâm toàn diện đến gần 800.000 người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố. Điều này góp phần động viên người có công vươn lên trong cuộc sống, thắp sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Thiết thực tri ân
- Hà Nội được đánh giá là điểm sáng của cả nước trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào đền ơn, đáp nghĩa, tri ân các thương, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Ông có thể cho biết rõ hơn những kết quả đạt được trong công tác này?
- Hà Nội là địa phương có số lượng người có công với cách mạng lớn nhất cả nước với gần 800.000 người (chiếm khoảng gần 9% của cả nước). Trong đó có hơn 88.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, gần 700.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi một lần. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực, đồng lòng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; quan tâm chăm lo toàn diện, thiết thực tri ân người có công với cách mạng. Thương binh, bệnh binh nặng, vợ/chồng liệt sĩ già yếu, cô đơn luôn có người ở bên chăm sóc; 138 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị chăm lo, phụng dưỡng. Mỗi năm đưa gần 40.000 lượt người có công với cách mạng đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, người có công trên địa bàn thành phố còn được tư vấn, khám sức khỏe thường xuyên; được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí…
Đặc biệt, Hà Nội đã thành lập Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị cho hơn 90 nạn nhân chất độc da cam…
- Để thực hiện mục tiêu 100% gia đình người có công với cách mạng đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, Hà Nội đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
- Nhiều năm qua, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”… đến đông đảo người dân Thủ đô. Hiểu rõ ý nghĩa của hoạt động này, nhân dân nhiệt tình ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng. Từ năm 2008 đến nay, toàn thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 400 tỷ đồng; tặng gần 70.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho người có công với cách mạng.
Góp phần nâng cao đời sống của các gia đình, Hà Nội đã triển khai chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và mức hỗ trợ cho các gia đình cũng cao hơn quy định chung. Năm 2017, thành phố đã hoàn thành hỗ trợ về nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, với gần 7.200 gia đình được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ngoài việc thực hiện các chế độ ưu đãi theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, các quận, huyện, thị xã còn trích ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa để tu sửa, nâng cấp nhà ở cho hơn 7.700 gia đình người có công, với kinh phí gần 264 tỷ đồng.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương thống kê, rà soát, đánh giá mức sống của các gia đình người có công và nhu cầu của họ. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương đưa ra hướng hỗ trợ phù hợp với từng gia đình. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 76.600 người có công và thân nhân với kinh phí gần 115 tỷ đồng. Thành viên thuộc gia đình người có công được ưu tiên vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế; ưu tiên học nghề, giải quyết việc làm… Nhờ đó, nhiều năm nay, Hà Nội không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo và hiện chỉ còn 16 hộ cận nghèo.
- Xin ông cho biết, cùng với việc nâng cao mức sống, vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng và sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ đã được các cơ quan chức năng triển khai như thế nào?
- Hà Nội hiện không còn hồ sơ tồn đọng theo các quy định hiện hành của Trung ương. Tuy nhiên, qua rà soát vào năm 2017, thành phố ghi nhận còn một số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công do gia đình lưu giữ hồ sơ. Để tháo gỡ khó khăn về chính sách, UBND thành phố đã báo cáo các cơ quan chức năng cho phép thành phố xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công do gia đình lưu giữ hồ sơ. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội có 17 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ được giải quyết. Với các liệt sĩ chưa biết thông tin còn nằm lại ở các địa phương khác, Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để rà soát, xác minh thông tin, xác định danh tính liệt sĩ…
Tiếp tục đưa các chính sách vào cuộc sống
- Ông có thể cho biết, ngoài các chính sách đã thực thi, năm nay trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hà Nội có những hoạt động gì để tri ân người có công với cách mạng?
- Đã trở thành nét đẹp truyền thống, dịp này, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội trực tiếp đi thăm hỏi, tặng quà hơn 100 tập thể, cá nhân người có công tiêu biểu. Ở cấp cơ sở, các địa phương duy trì tất cả hoạt động thường niên, như thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, gặp gỡ người có công, tu sửa nghĩa trang, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...
Đến nay, các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc chuyển hơn 345.000 suất quà, trị giá gần 150 tỷ đồng đến người có công và thân nhân. Các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 20 tỷ đồng; tặng gần 4.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 300 nhà ở cho gia đình người có công với kinh phí gần 12 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp 70 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 44 tỷ đồng …
- Theo ông, các cơ quan chức năng cần bổ sung chính sách, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi, nâng cao đời sống người có công?
- Hiện tại, mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng của một số nhóm đối tượng người có công với cách mạng còn thấp. Do đó, tôi mong muốn các cơ quan xem xét nâng mức trợ cấp ưu đãi này. Để việc giải quyết các chế độ, chính sách người có công thuận lợi hơn, tôi cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất thêm các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng chính sách, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đối với cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi người hãy thực hiện nhiệm vụ của mình bằng tình cảm, trách nhiệm cao cả, thiêng liêng; góp phần tiếp tục đưa các chính sách ưu đãi người có công vào cuộc sống.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.