(HNM) - Trong các số báo vừa qua, Báo Hànộimới đã liên tục đưa tin, phân tích về tình hình của Tập đoàn Kinh tế Vinashin. Chiều 7-7, Tổng Giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang Vũ đã có buổi làm việc khá cởi mở với một số cơ quan thông tin đại chúng. Để độc giả có thêm thông tin từ chính Vinashin, Báo Hànộimới lược trích trả lời của ông Trần Quang Vũ.
Quản lý yếu kém là nguyên nhân dẫn tới nợ nần của Vinashin. |
Quản lý yếu kém là nguyên nhân quan trọng
Một trong những vấn đề được chất vấn nhiều là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ nần chồng chất của Vinashin. Về phía chủ quan, ông Vũ thẳng thắn thừa nhận, công tác quản lý yếu kém là nguyên nhân quan trọng. Theo đó, công nghiệp tàu thủy nước ta phát triển từ các cơ sở lạc hậu. Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng tàu của Vinashin dựa theo định hướng, chủ trương của Đảng, Chính phủ với mục tiêu đến năm 2005 có thể đóng được tàu tải trọng 50 nghìn tấn. Đây là thách thức lớn, bởi ngành đóng tàu nhiều quốc gia khác phát triển trên cơ sở sản xuất được máy, thép, thiết bị điện… còn Vinashin phải nhập toàn bộ. Một khó khăn nữa là Vinashin phát triển trên cơ sở nguồn vốn vay.
Nếu như một số ngành công nghiệp khác được vay ưu đãi với lãi suất 3%/năm thì Vinashin phải vay chủ yếu với lãi suất 7,5%, thậm chí 9%/năm. Ông Vũ tự đặt câu hỏi: Tại sao thách thức như vậy lại không điều chỉnh? Và ông tự trả lời, khi đó thị trường rất tốt, đơn hàng đóng tàu nhiều. Vinashin đã ký đơn hàng giá trị hơn 5 tỷ USD, sau đó lên hơn 10 tỷ USD. Điều đó tạo ra tham vọng nhanh chóng xây dựng Vinashin đủ sức cạnh tranh trên thế giới, hướng tới nội địa hóa sản phẩm. Để đạt được mục tiêu đó cần có các nhà máy chế tạo, sản xuất. Khi đó có uy tín, việc phát hành trái phiếu thuận lợi và Vinashin có kế hoạch táo bạo là xây dựng các dự án nhanh chóng, lấy đất đai làm nhà máy, cắt vốn lưu động dành cho đóng tàu phục vụ công tác GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng với hy vọng khi phát hành trái phiếu đợt tiếp theo sẽ bù vốn cho đóng tàu… Song, do khủng hoảng tài chính toàn cầu nên việc phát hành trái phiếu khó khăn, dẫn đến thiếu vốn cho đóng tàu, trong khi dự án thực hiện bằng vốn vay vẫn phải trả lãi. Về đầu tư, ông Vũ cho biết, số vốn đầu tư ngoài ngành không nhiều (khoảng 6-7%).
Nguyên nhân quan trọng là công tác quản lý có nhiều bất cập. Ông khẳng định: Nhiệm vụ Chính phủ giao là rõ ràng và khả thi, nhưng thực hiện còn yếu kém. Chúng tôi đang làm kiểm điểm tập thể, cá nhân và sẵn sàng chịu trách nhiệm với các hình thức xử lý của Đảng, Chính phủ. Phải thừa nhận, vào thời điểm đó, chúng tôi chỉ chú trọng vào việc ký hợp đồng mà không chú trọng đến xây dựng hệ thống. Các cơ sở đóng tàu mới thành lập và thiếu kinh nghiệm nên Tập đoàn phải làm thay trong thời gian dài. Công tác phân công, phân nhiệm, nâng cao tính trách nhiệm từ trên xuống dưới chưa tốt. Việc kết nạp quá nhiều công ty bên ngoài và lập thêm công ty cổ phần nhằm tăng thêm nhân tài, vật lực là gánh nặng khi các doanh nghiệp (DN) hoạt động không hiệu quả.
Thừa nhận báo cáo không đầy đủ
Tổng Giám đốc Điều hành Vinashin Trần Quang Vũ cho biết, đến ngày 7-7, Vinashin vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về kết luận của UB Kiểm tra TƯ mà chỉ tiếp nhận thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khi PV Báo Hànộimới đề nghị cho biết ý kiến về nội dung kết luận Vinashin báo cáo không trung thực Chính phủ về tình hình tài chính, ông Vũ thừa nhận, Tập đoàn đã báo cáo không đầy đủ, đặc biệt là chưa báo cáo những vướng mắc nảy sinh trong quá trình hoạt động. Năm 2007, lãnh đạo Tập đoàn đã cảm nhận được khó khăn và có ý kiến đề nghị thay đổi phương án quản lý nên có tranh luận gay gắt ở Tập đoàn. Lãnh đạo Tập đoàn khi ấy vẫn tin vào khả năng có thể tự giải quyết vấn đề, nên không báo cáo. Đáng tiếc là "quá trình suy nghĩ" quá lâu, nên việc bán bớt các dự án để tập trung cho đóng tàu bị chậm. Tập thể, cá nhân lãnh đạo Vinashin sẽ có giải trình, kiểm điểm nghiêm túc trước Đảng ủy Tập đoàn, Đảng ủy khối. Theo ông, việc báo cáo chưa đầy đủ có thể là nguyên nhân bị đánh giá là không trung thực.
Tái cơ cấu không làm Vinashin yếu đi
Ông Trần Quang Vũ cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn, Vinashin đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Các bên đã đồng thuận và nhất trí trên một số nguyên tắc là thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Các nhà máy, dự án sẽ được chuyển giao nguyên trạng cả bộ máy quản lý để duy trì hoạt động bình thường. Khi đã chuyển giao, vẫn mời kiểm toán độc lập để chốt số liệu. Những khoản đầu tư Vinashin bỏ ra thì sẽ thu về, khoản nợ sẽ do đơn vị tiếp nhận kế thừa. Các dự án đóng tàu trong danh sách chuyển giao hiện đang trong quá trình xây dựng, chưa sản xuất nên sẽ không ảnh hưởng gì đến năng lực đóng tàu hiện tại của Tập đoàn. Chiều 7-7, Vinashin sẽ bàn giao Nhà máy Đóng tàu Dung Quất cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ công tác bàn giao các dự án trong tháng 7. Cùng với việc chuyển giao, Vinashin sẽ xây dựng lại chiến lược phát triển và hoàn thành trong 2 tháng tới, theo đó sẽ tập trung vào đóng tàu, sửa chữa tàu, chế tạo… Hệ thống quản lý cũng được xây dựng, siết chặt để duy trì sản xuất. Ông cam kết trước mắt sẽ phấn đấu bảo đảm đời sống cho CBCNV và trả nợ cho các DN đối tác đã ứng vốn xây dựng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.