(HNM) - Dù không được công nhận tại Việt Nam, nhưng Bitcoin hay tiền ảo nói chung vẫn được nhiều người mua bán, sử dụng và có nguy cơ trở thành phương tiện phục vụ hoạt động đánh bạc, rửa tiền.
Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, trong đó có Bitcoin vừa được Chính phủ phê duyệt sẽ giúp quản lý chặt chẽ và giảm những hệ lụy khôn lường từ giao dịch tiền ảo.
Nhiều nhà đầu tư bị lừa đảo khi mua, bán tiền ảo. Ảnh: Ngọc Thạch |
Tiền ảo, hệ lụy thật
Chưa được công nhận là một phương tiện thanh toán tại Việt Nam, song từ lâu, giao dịch Bitcoin vẫn diễn ra, nhất là với những người ham trò chơi điện tử trực tuyến (game online). Anh Nguyễn Hữu Bằng, một game thủ tại Hà Nội cho biết, Bitcoin được game thủ trên khắp thế giới sử dụng và là giải thưởng hấp dẫn của nhiều trò chơi. Ở một số trò chơi, người chơi có thể dùng Bitcoin để mua vật phẩm trong game hay mua từ người chơi khác.
Dưới góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia tài chính tán thành việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho quản lý tiền ảo, bởi xã hội đang cần các phương tiện giao dịch gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0. Một số quốc gia đã sử dụng ứng dụng Bitcoin như một công cụ để cải tiến cách thức quản lý, giao dịch trong hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, Chính phủ cần đưa ra cách thức giao dịch để người dân nhận biết, tiền ảo không phải là một đồng tiền mà chỉ là một phương tiện giao dịch. Ngoài ra, cần có phương thức quản lý theo hướng, không cho phép sử dụng Bitcoin để mua bán hàng hóa hay chuyển ra nước ngoài.
Trên thực tế, những người không am hiểu về công nghệ rất dễ có nguy cơ bị lừa đảo khi tham gia giao dịch tiền ảo. Với tính ẩn danh, giao dịch tiền ảo sẽ không chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Tội phạm cũng có thể sử dụng Bitcoin như một phương thức để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, như rửa tiền hay tài trợ khủng bố. Giao dịch bằng tiền ảo có thể làm nảy sinh hành vi trốn thuế, buôn lậu, đánh bạc trực tuyến (online).
Vì vậy, Chính phủ các nước như: Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Trong đó, các nước đều tập trung vào các vấn đề: Xây dựng khung pháp lý, ban hành chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu tiền ảo, cấm các giao dịch tiền ảo do tư nhân phát hành...
Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý
Về mặt quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước khẳng định quan điểm không công nhận các loại tiền ảo như Bitcoin. Theo Ngân hàng Nhà nước, dưới góc độ là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, hầu hết các quốc gia không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Bởi, nếu chấp nhận Bitcoin là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ. Ngoài ra, nếu tiền ảo được chấp nhận, sẽ tạo điều kiện cho các giao dịch trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp nảy sinh, vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết.
Xét về khía cạnh đầu tư tài chính, giao dịch Bitcoin trên thực tế cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường. Trong tuần đầu tháng 9 vừa qua, đồng Bitcoin đã có lúc lập mức giá kỷ lục hơn 5.000 USD/Bitcoin rồi nhanh chóng giảm mạnh, mất gần 20% giá trị chỉ trong hai ngày. Hiện tại, giá trị đồng Bitcoin đã phục hồi, nhưng sự trồi sụt của Bitcoin đã kéo theo hàng chục tỷ USD của thị trường tài chính "bốc hơi" trong vài ngày. Điều này đã đặt ra vấn đề về việc, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải làm gì để hạn chế những hệ lụy khôn lường từ việc buông lỏng quản lý Bitcoin, bởi rõ ràng đồng tiền ảo này gây ra những tác động đáng kể tới thị trường tài chính toàn cầu.
Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/ QĐ-TTg ngày 21-8-2017 về việc “Phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Đề án được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và bảo đảm tính linh hoạt để phù hợp với những thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
Theo đề án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam, lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo... Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống; xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9-2019.
Việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý tiền ảo sẽ góp phần quản lý chặt chẽ giao dịch Bitcoin, qua đó kiểm soát và giảm những tác động tiêu cực từ giao dịch tiền ảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.