(HNM) - Hầu hết các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, ăn uống quy mô nhỏ lẻ vẫn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Bài đầu: Nhận diện khó khăn
Hàng nghìn cửa hàng kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ nằm trong mọi ngõ, ngách khu dân cư là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác quản lý thức ăn đường phố ở cơ sở. Triển khai Chỉ thị 08 của UBND TP Hà Nội, mặc dù các địa phương đều ban hành đầy đủ văn bản triển khai đến người dân, nhưng việc thực hiện chủ yếu vẫn ở trên "giấy", bởi chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền cơ sở. Trong khi, đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác này vừa thiếu vừa yếu, nên vấn đề bảo đảm ATTP còn không ít bất cập.
Sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc là một nguy cơ tiềm ẩn ở hàng quán thức ăn đường phố. Ảnh: Anh Tuấn |
Nguy cơ mất an toàn
Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Trịnh cho biết, trên địa bàn huyện có 142 cơ sở thức ăn đường phố do huyện quản lý, còn số cơ sở dịch vụ ăn uống có tới 866 nhưng chủ yếu là cửa hàng ăn uống, bán thức ăn chín, hàng rong vỉa hè, chợ và các khu du lịch. Theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 5-12-2012 quy định về điều kiện ATTP, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố thì các cơ sở này phải đáp ứng đủ tiêu chí về nơi bảo quản thức ăn, khu ăn uống thoáng mát... Tuy nhiên, có đến 80% số cửa hàng ăn uống ở cơ sở chưa đáp ứng được các điều kiện về kinh doanh thức ăn đường phố. Đa số hàng quán đều nhếch nhác, nguồn nguyên liệu đầu vào không rõ nguồn gốc và được mua bán tại các chợ "cóc", chợ tạm; việc bảo quản, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn chưa bảo đảm, chứa đựng nguy cơ mất ATTP cao.
Dụng cụ chứa thức ăn đa phần không đạt tiêu chuẩn, thức ăn không được che đậy, hay che đậy sơ sài; quá trình chế biến, người bán hàng đều dùng bàn tay trần bốc thức ăn... Các địa điểm bày bán thức ăn phần lớn được đặt ngay trên mặt đất, thậm chí gần với cống rãnh, hố ga, bệnh viện... nên nguy cơ mất ATTP cao. “Thông qua công tác kiểm tra cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố cho thấy, lỗi chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm... Theo quy định tại Chỉ thị 08 của UBND thành phố về phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý nhà nước về ATTP trong Ngành Y tế, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thuộc UBND các xã, phường quản lý, nhưng hiện nay UBND các cấp chưa thực sự quan tâm, triển khai thực hiện nên công tác kiểm tra, quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở tuyến xã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP chưa thực hiện được” - ông Nguyễn Văn Trịnh cho biết thêm.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Dương (Thanh Oai) Trần Thế Anh cho biết: Xã Cao Dương có hơn 20 cửa hàng thức ăn đường phố, nhưng đều do các hộ gia đình mở ra kinh doanh bán thức ăn chín và đồ ăn sáng, quy mô nhỏ. Thực tế, các hộ kinh doanh này buôn bán giờ giấc không ổn định, nhiều người từ địa phương khác đến bán, gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý. Việc áp dụng các quy định trong kinh doanh thức ăn đường phố vào thực tế còn bất cập, đặc biệt là quy định về nguồn nước, khám sức khỏe người bán và xác nhận kiến thức ATTP... Còn theo Chủ tịch UBND xã Dương Hà (huyện Gia Lâm) Nguyễn Ngọc Thịnh, xã có 10 cửa hàng ăn uống, chủ yếu là các hộ dân kinh doanh ăn sáng nhỏ lẻ nên xã chưa quản lý nguồn thực phẩm đầu vào cũng như đầu ra ở các cửa hàng. “Thậm chí, một số hộ dân “kháo nhau” cửa hàng ăn uống kia có đồ lưu trữ, đông lạnh lâu ngày hết hạn sử dụng nhưng vẫn mang ra chế biến cho khách, nhưng xã không xác định được nên chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền để nâng cao ý thức của chủ hàng” - ông Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết thêm.
Lực lượng mỏng, chuyên môn yếu
Phó Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường cho biết, huyện quản lý 200 điểm ăn uống đường phố, còn các xã, thị trấn của huyện quản lý 500 cửa hàng. Đáng ngại, các xã, thị trấn không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bán tại cửa hàng ăn uống. Nguyên nhân do thiếu nhân lực, kinh phí, đặc biệt là thiếu các dụng cụ test nhanh thực phẩm cho các đoàn kiểm tra cấp xã, thị trấn để thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong khi số cơ sở chế biến thức ăn đường phố lớn thì lực lượng chuyên trách quản lý về vấn đề này lại mỏng. Theo Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (Ba Vì) Phùng Văn Điền, xã có 9-10 cửa hàng ăn uống, dù thành phố phân cấp cho xã quản lý các cửa hàng này, nhưng địa phương không kiểm soát được. Cán bộ tham mưu cho xã gồm Trạm trưởng Trạm y tế xã, cán bộ thú y chăn nuôi, cán bộ bảo vệ thực vật, trưởng thôn… lực lượng này vừa mỏng, vừa thiếu kiến thức nên không đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Khi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố, cơ quan chức năng địa phương chưa đủ năng lực để kiểm soát các loại thức ăn mà cửa hàng để vài ngày hoặc dùng hóa chất tẩm, ướp, chế biến thành các món tái chế bán cho người tiêu dùng nên không thể xử phạt. Ngoài ra, xã chưa có cán bộ chuyên trách về quản lý ATTP mà đều kiêm nhiệm nhiều việc, năng lực chuyên môn thấp” - ông Phùng Văn Điền cho biết. Còn theo Trạm trưởng Trạm y tế xã Cao Dương (Thanh Oai) Bùi Xuân Long, thực hiện phân cấp của thành phố, cán bộ y tế xã có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương trong quản lý ATTP, song do khối lượng công việc lớn, nên vẫn còn nhiều nơi chưa quan tâm xác đáng tới công tác này.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.