Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý sử dụng nhà, đất công trên địa bàn Hà Nội: Bắt mạch, kê thuốc, trị bệnh

Hà Trâm Anh| 11/03/2013 06:04

LTS: Tài sản công là nhà, đất có giá trị rất lớn và là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng hàng đầu của Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như của cả nước nói chung.

Trong số những kiểu lãng phí liên quan đến tài sản công là nhà, đất, có lẽ gây nhức nhối nhất cho dư luận xã hội là những dự án chậm triển khai. Các dự án "treo" đã được nhắc tới khá nhiều, song dường như người ta chưa thể hình dung mức độ thiệt hại cho xã hội do những dự án này gây ra vì chưa có cơ quan nào đứng lên thống kê việc đó. Tuy nhiên, cũng có những cách tiếp cận để phần nào sáng tỏ vấn đề.

Nhữmg khu đất đã được giải phóng mặt bằng bị bỏ hoang chậm đưa vào sử dụng bên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Linh Ngọc


Đất bỏ hoang, nông dân mất việc

Tới bây giờ, anh Vũ Văn Tỵ, thôn Phú Vinh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức - người chủ của gia đình có 7 nhân khẩu vẫn thấy tiếc những năm tháng gắn bó với đồng ruộng. Khi nhận tiền đền bù thu hồi đất cho dự án, nhà anh được nhận trên 400 triệu đồng. Như bao người khác anh xây nhà hết hơn một nửa, phần còn lại làm vốn và lo cho con ăn học. Số tiền được đền bù cũng cạn dần, đất ruộng thì không còn, cả nhà phải kiếm việc làm mới, cốt sao lo đủ tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Khổ rồi cũng quen, nhưng nỗi đau đối với anh Tỵ và nhiều người dân trong thôn là đất ruộng đã giao cho các dự án nay hầu như để trống, chưa được sử dụng, cỏ dại mọc đầy.

Cũng không riêng thôn Phú Vinh, ở xã An Khánh có hơn 2.000 hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp tương đương với hàng nghìn người phải bỏ nghề nông cũng cùng tâm trạng. Cả xã đã bị thu hồi hầu hết đất nông nghiệp (hơn 50% tổng diện tích đất tự nhiên, cụ thể là 435/830ha), nhưng phần lớn vẫn bỏ hoang… Tình trạng ở An Khánh không phải cá biệt tại Hà Nội.

Từ khi chính thức thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008), tới thời điểm này, các cơ quan của thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi trên 40 dự án sử dụng đất và đang tiếp tục rà soát để thu hồi hàng trăm dự án bỏ đất hoang khác. Tuy nhiên, những con số này chỉ chiếm một phần trong số những dự án thu hồi đất rồi bỏ không hoặc đầu tư nửa vời. Những khu đất đã được GPMB, giao cho chủ đầu tư, nhưng để hoang hóa, chậm đưa vào sử dụng vẫn ngang nhiên tồn tại bên các tuyến đường như Lê Văn Lương, Trường Chinh (quận Thanh Xuân); phố Đội Nhân (quận Ba Đình); đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy); tại huyện Thanh Trì, Từ Liêm…

Cứ mỗi khi kiểm tra, lại có thêm những dự án chậm triển khai, bỏ hoang hàng trăm nghìn mét vuông đất được đưa ra ánh sáng. Kết quả kiểm tra trên địa bàn 4 quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm mới đây cho thấy, trong tổng số hơn 30 khu đất được kiểm tra với diện tích gần 500.000m2 có trên 15 khu đất trống với diện tích khoảng 309.368m2, chưa sử dụng. Mỗi năm trôi qua, những khu đất bỏ hoang này lại làm "bốc hơi" cả trăm tỷ đồng theo nhiều cách lãng phí vừa có thể đong đếm được, vừa phải "thấm dần dần".

Một khu đô thị bỏ hoang tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thái Hiền


Mỗi năm đã mất hàng nghìn tấn thóc

Theo Bộ NN&PTNT, năng suất lúa bình quân ở nước ta hiện nay là 5,53 tấn/ha/vụ, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năng suất này còn có thể cao thêm từng năm vì theo GS,TS Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trong 5 năm qua, cây lúa ở nước ta luôn có mức tăng năng suất bình quân hơn 200 kg/ha/năm.

Trừ một hai dự án "không treo" (trong đó có Khu đô thị Splendora), với hàng trăm hécta đất nông nghiệp bỏ hoang, mỗi năm An Khánh (Hoài Đức - Hà Nội) đã mất hàng nghìn tấn thóc. Đó có là lãng phí? Tương tự, thành phố Hà Nội vừa quyết định thu hồi 17 dự án với tổng diện tích trên 817ha. Đây là những dự án đã bỏ hoang đất nhiều năm. Sau khi thu hồi, trước mắt, diện tích đất phần lớn là đất lúa "bờ xôi ruộng mật" này tiếp tục bị bỏ hoang chờ quyết định sử dụng mới. Nếu cứ tính với năng suất lúa bình quân kể trên, trên diện tích ấy chúng ta đã mất khoảng 10.000 tấn lúa/năm.

Con số thiệt hại chưa dừng lại ở đó. Theo thống kê mới nhất, Hà Nội hiện có khoảng 9.000ha đất đang bị bỏ hoang, phần lớn nằm trong các dự án chậm triển khai. Nếu đem con số này nhân với năng suất lúa nói trên, nhân tiếp với số năm dự án chậm triển khai và cứ mỗi năm hai vụ thì lãng phí do các dự án "treo" gây ra thật là khủng khiếp. Chưa hết, người ta đã tính, cứ mỗi hécta đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ kéo theo 10 nông dân trưởng thành thất nghiệp. Do đó, ngoài việc mất lúa, mất gạo, Nhà nước còn phải chi không ít tiền cho việc hỗ trợ nông dân chuyển nghề hay khắc phục những vấn đề xã hội phức tạp do tình trạng thất nghiệp gây ra như tệ nạn xã hội, di dân tự do…

Sự lãng phí từ các dự án chậm triển khai còn đa dạng, nhiều chiều hơn nữa khi hiện nay nguồn vốn đầu tư trong xã hội rất eo hẹp, phải cân nhắc, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm. Do đó, dùng khoản đầu tư này từ bất cứ nguồn nào (từ ngân sách hoặc vay tín dụng) để làm hạ tầng, thu hồi đất rồi bỏ hoang, chậm triển khai… các chủ đầu tư dự án "treo" vô hình trung đã lấy mất cơ hội của những dự án hay nhu cầu xã hội thiết thực, cần kíp hơn như về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa... Lãng phí cơ hội là kiểu lãng phí không thể đo đếm được mức độ thiệt hại.

Về sự lãng phí từ các dự án "treo", Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa phân tích: "Chúng ta hãy thử lật ngược vấn đề, nếu những dự án được triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, các cơ quan chức năng không phải lập hồ sơ đề nghị thu hồi đất thì Hà Nội sẽ có thêm nhiều công trình, do đó bộ mặt thành phố, đời sống của người dân, công ăn việc làm cho người lao động... sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực". Nhưng thực tế, với những dự án "treo" hiện nay, Nhà nước cũng bị "treo" những "cục nợ" không biết bao giờ mới có thể giải quyết xong.

Kết quả thanh tra về chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai trên địa bàn Hà Nội vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, tổng số tiền thuế sử dụng đất mà các chủ đầu tư còn nợ của thành phố Hà Nội lên tới trên 2.234 tỷ đồng; số tiền phạt chậm nộp tiền thuế sử dụng đất cũng đã lên tới trên 1.880 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý sử dụng nhà, đất công trên địa bàn Hà Nội: Bắt mạch, kê thuốc, trị bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.