Bạn đọc

Tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm): Nhiều vi phạm trên đất công

Thiện Mỹ 31/10/2024 - 18:42

Trong khi những vi phạm trên đất công ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tồn tại từ nhiều năm qua chưa bị xử lý dứt điểm, thì xuất hiện thêm đơn thư tố cáo không ít vi phạm mới. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm có giải pháp quyết liệt để xử lý các vi phạm…

Nhà tạm "mọc" trên đất công

Phản ánh đến Báo Hànộimới, người dân cho biết, trên diện tích là đất công do UBND phường Trung Văn quản lý, có nhiều công trình xây dựng trái phép, tập trung ở tổ dân phố số 17, 18. Xác minh thông tin trên, phóng viên Báo nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở.

Vi phạm nhiều nhất phải kể đến là tại khu vực đất thuộc hành lang sông Nhuệ đã bị chiếm dụng, xây dựng hàng trăm công trình nhà tạm. Đặc biệt, khu dân cư trưng biển “xóm sợ vợ” được xây dựng có tổ chức, gồm hai dãy nhà quay mặt vào nhau và đã kín người ở. Theo người dân, họ sinh sống tại đây được vài năm; khi mua, chủ đất đã hoàn thiện công trình. Mỗi căn nhà rộng khoảng 30-50m2, giá bán dao động 500-800 triệu đồng/căn.

23ea21bf-2983-42d2-af9d-5f32fa43b881.jpeg
Dãy nhà được xây quay mặt vào nhau tại ngõ 97 Đại Linh. Ảnh: Thiện Mỹ

Cách đó không xa, khu vực bờ sông Nhuệ, sau trụ sở Hợp tác xã Quyết Tiến cũng xuất hiện hàng chục ngôi nhà tạm. Một người dân ở đây cho biết, diện tích đất này không có “sổ đỏ” nhưng vẫn xây dựng được nhà. Bằng chứng là hàng chục công trình đang tồn tại và người mua nhà vẫn sinh sống ổn định suốt nhiều năm nay...

2363a17d-92c9-4eb1-ab10-a885cc520376.jpeg
Nhiều nhà tạm “mọc” trên đất cơ đê sông Nhuệ. Ảnh: Thiện Mỹ

Trong khi đó, tại khu vực quy hoạch là hành lang cây xanh nằm dọc đường Cương Kiên (gần nút giao thông đường vào làng Trung Văn) “mọc” lên hàng chục ki ốt kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa. Những ki ốt này tồn tại ngang nhiên ngay mặt đường lớn, khiến người dân ngạc nhiên bởi vi phạm dễ nhận thấy nhưng không bị xử lý?

1db54a3c-b2d1-4603-b6e1-915924de2acc.jpeg
Nhiều ki ốt được dựng lên ở mặt đường Cương Kiên. Ảnh: Thiện Mỹ

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân, khu đất công rộng 1.800m2 tiếp giáp trụ sở của Hợp tác xã Quyết Tiến (tổ dân phố 18) được quây kín rào tôn, bên trong dựng nhà xưởng rộng khoảng 600-800m2 cùng một số gian nhà cấp 4, nhưng không rõ xưởng sản xuất hay hoạt động gì...

Đáng nói là, tất cả trường hợp trên đều là công trình vi phạm, song các hộ vẫn được sử dụng điện sinh hoạt?

Cần làm rõ trách nhiệm

Trước thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn Đặng Quốc Hùng cho biết: Dải đất giáp sông Nhuệ là đất công do UBND phường quản lý, dài khoảng 1,5km, những vi phạm về trật tự xây dựng bắt đầu xuất hiện từ năm 2009 và đã có khoảng 400 công trình là nhà tạm. Đối với các vi phạm này, UBND phường đã lập hồ sơ, báo cáo UBND quận Nam Từ Liêm để theo dõi, quản lý. Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (ngày 15-5-2014) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (hiện đã hết hiệu lực, đang chờ văn bản hướng dẫn), các trường hợp vi phạm trước ngày 1-7-2014 sẽ được tạm thời giữ nguyên hiện trạng. Khi có văn bản hướng dẫn mới, địa phương sẽ thực hiện theo quy định...

Với khu đất tiếp giáp trụ sở làm việc của Hợp tác xã Quyết Tiến, từ cuối tháng 11-2023, UBND phường phát hiện có đối tượng san gạt, dựng nhà tôn trái phép trên diện tích hơn 600m2. UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai với trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm; đầu tháng 1-2024, UBND quận Nam Từ Liêm ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả và tổ chức cưỡng chế phá dỡ vào tháng 4-2024. Hiện tại, trên khu đất còn 1 nhà mái tôn, diện tích khoảng 75m2 và một phần tường rào mặt ngõ 97 phố Đại Linh. Các công trình nêu trên của nhà thầu thi công tuyến đường Đại Linh từ năm 2019, do UBND phường cho mượn để tập kết vật liệu xây dựng và cho công nhân ở trong quá trình thi công, nhưng đến nay chưa tháo dỡ và không sử dụng (?).

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn Đặng Quốc Hùng, tại ngõ 93, 97 phố Đại Linh, giáp sông Nhuệ, có khoảng 40 công trình nhà cấp 4, diện tích khoảng 30-80m2/căn. UBND phường đã mời chủ các căn nhà lên trụ sở phường cung cấp hồ sơ, hiện còn 5 gia đình chưa phối hợp. Các trường hợp này chủ yếu mua bán nhà, đất bằng giấy viết tay. Trên giấy tờ không thể hiện thời gian xây dựng, các cá nhân cũng không cung cấp thời gian xây nhà. Do cán bộ địa chính quản lý địa bàn đã chuyển công tác và chưa đến UBND phường phối hợp làm việc, nên UBND phường cũng chưa xác định được thời điểm vi phạm...?

Còn đối với dãy ki ốt ở mặt đường Cương Kiên, dù vị trí này quy hoạch là đất hành lang cây xanh, nhưng hiện có khoảng 17 ki ốt, xây dựng từ năm 2012. UBND phường đã báo cáo UBND quận Nam Từ Liêm, đề nghị được ghi danh mục dự án đầu tư xây dựng vườn hoa, tiểu cảnh tại địa điểm này...

Rõ ràng, vi phạm có hệ thống kéo dài trong một thời gian dài như vậy cho thấy, nguồn tài nguyên lớn về đất đai bị sử dụng sai mục đích, làm lợi cho một số cá nhân, gây bức xúc trong dư luận.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm từ ngày 3-10-2024, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.

Với thực trạng nêu trên, đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm và những đơn vị liên quan xác định thời điểm vi phạm, “kẽ hở” trong công tác quản lý nhà nước để làm rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm): Nhiều vi phạm trên đất công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.