(HNMO) - Tin từ Bộ Ngoại giao, sáng 18-9, Hội thảo APEC về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức đã khai mạc trọng thể tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tham dự Lễ khai mạc Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng, Ủy viên thường trực thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài. Cùng tham dự còn có đại diện các bộ, ngành hữu quan và các Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Với chủ đề "Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu", Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham dự của 100 đại biểu từ các nền kinh tế thành viên APEC, Văn phòng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Tổ chức Tầm nhìn thế giới, và các tổ chức khu vực như Trung tâm giảm nhẹ thiên tai châu Á, Cơ quan phát triển của Nhật Bản… Đáng chú ý, Hội thảo có sự tham dự của diễn giả chính là đại diện Ban Tổ chức của Pháp về Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (Pa-ri, tháng 12 năm 2015).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam nhấn mạnh thảm họa thiên tai ngày càng gay gắt, không chỉ tác động đến trực tiếp đến đời sống của người dân, các nỗ lực phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo mà còn làm gián đoạn hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, địa phương hay cả một quốc gia. Trong thời đại toàn cầu hóa và phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ngày càng sâu sắc, thảm họa thiên tai còn làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Theo đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai là một ưu tiên cao trong Khuôn khổ giảm thiểu rủi ro thiên tai APEC, góp phần triển khai Khuôn khổ hành động Sen-đai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai vừa được thông qua tháng 3 năm 2015. Hội thảo đã gợi mở thêm các giải pháp và kinh nghiệm cho các thành viên APEC trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa trên cộng đồng, nhất là trong bối cảnh APEC đang hướng tới nỗ lực xây dựng cộng đồng bền vững và tự cường. Thứ trưởng cũng đánh giá cao các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là các đồng sáng kiến, và các tổ chức quốc tế, khu vực đã phối hợp tổ chức Hội thảo.
Trong bài phát biểu dẫn đề, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nêu rõ thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới và trở thành mối lo ngại toàn cầu trong thế kỷ 21. Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đang có xu hướng cực đoan hơn cả về tần suất, cường độ và không theo quy luật. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước thiên taiu. Theo số liệu thống kê từ năm 1970 đến nay, khu vực này đã xảy ra trên 5.000 vụ thiên tai khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng tới khoảng 6 tỷ người.
Là một quốc gia chịu nhiều tác động của thiên tai, với hơn 300 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1,5% GDP mỗi năm, Việt Nam với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã nỗ lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai. Với “Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến 2020”, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể từ trung ương đến địa phương, lồng ghép phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lồng ghép các chương trình, đề án thực hiện phòng chống và giảm nhẹ thiên tai với các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc triển khai “Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” từ năm 2010 đã được các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Sau 5 năm thực hiện, khoảng 2000 xã có các hoạt động về nâng cao nhận thức và phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng,100% các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án, đội ngũ tập huấn viên nguồn cấp tỉnh được đào tạo để đào tạo lại cho cán bộ cấp huyện, xã. Tài liệu hướng dẫn thực hiện Đề án được ban hành cùng với nhiều chương trình truyền thông xuống tới cấp cộng đồng, đặc biệt trong các trường học, tập trung vào các đối tượng bị tổn thương.
Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh Hội thảo là cơ hội để các nền kinh tế thành viên APEC trao đổi về các mối quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; ứng dụng KHCN tiên tiến trong dự báo sớm, đầu tư, giám sát các tình huống bất thường của thời tiết và BĐKH; ứng dụng công nghệ địa không gian – GIS trong hỗ trợ ra quyết định, đánh giá thiệt hại và rà soát lại quy hoạch phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; tăng cường hợp tác trong khối vì một cộng đồng bền vững về phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó và phục hồi, tái thiết sau thiên tai.
Các đại biểu đã bày tỏ cảm thông sâu sắc đối với nhân dân Chi-lê đang phải chịu đựng do thảm họa động đất, sóng thần vừa xảy ra. Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày 18 và 19 tháng 9 với 4 phiên họp toàn thể tập trung thảo luận về nâng cao năng lực cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các phương pháp tiếp cận tiên tiến trong đầu tư và công nghệ, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các chủ thể xã hội, tăng cường quan hệ đối tác vì cộng đồng bền vững.
Hội thảo là một trong những hoạt động lớn của APEC mà nước ta tổ chức trong năm 2015, nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và chuẩn bị cho việc nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 và các hoạt động APEC trong năm 2017. Hội thảo cũng là một trong 80 sáng kiến do nước ta đề xuất tại APEC, góp phần nâng cao tính thiết thực của hợp tác APEC, mang những kết quả hợp tác đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.