Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Còn nhiều kẽ hở

Kim Vũ - Mai Ly| 08/03/2012 07:20

(HNM) - Đó là quan điểm chung của các chuyên gia lao động khi mà tình trạng lao động nước ngoài (LĐNN) vào Việt Nam làm việc không phép gia tăng. Và điều đáng lo ngại hơn khi các cơ quan quản lý cũng không biết là LĐNN đi đâu, làm gì, có hợp pháp hay không?


Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, số LĐNN vào Việt Nam làm việc liên tục tăng, cụ thể: năm 2008 là 52.633 người; năm 2009 tăng lên 55.428 người; năm 2010 là 56.929 người; tính đến hết tháng 9-2011, tăng vọt lên 78.440 người. Trong số đó, có 41.529 người được cấp phép; 5.581 người không thuộc diện cấp phép và có tới 39,9% (31.330 người) chưa được cấp phép. Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH trong năm 2012 phải quản lý chặt chẽ và tìm biện pháp khắc phục những bất cập trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bộ phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, phổ biến kinh nghiệm của các địa phương cũng như những doanh nghiệp đã thực hiện tốt trong quý II-2012.

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.


Những "hạt sạn" trong quản lý LĐNN tại Việt Nam được thể hiện rõ trong việc quản lý thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng, tạo ra kẽ hở cho tình trạng gia tăng LĐNN làm việc không phép tại Việt Nam. Điều 14 Nghị định 34/2008 và Nghị định 46/2011 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trao quyền cho Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Công thương, HĐND, TP trực thuộc Trung ương… và các bộ liên quan phối hợp thực hiện công tác quản lý. Hiện nay, dù nghị định đã đi vào cuộc sống nhưng Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn mẫu và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người nước ngoài; Bộ Công thương chưa hướng dẫn trình tự, thủ tục để xác định đối tượng là người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi các ngành trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới. Việc phát hiện và kiểm tra nơi làm việc của các doanh nghiệp có thuê LĐNN  không dễ dàng do các văn bản còn mang tính tạm thời nên các đơn vị chức năng rất khó vào các công trình, công ty để "bắt quả tang" LĐNN đang làm việc trái phép.

Theo quy định của Nghị định 46/2011, trước khi tuyển người nước ngoài ít nhất 30 ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người nước ngoài trên ít nhất một số báo trung ương và ít nhất một số báo địa phương  về  số lượng người cần tuyển, vị trí công việc, trình độ chuyên môn, mức lương và các khoản thu nhập khác… Chỉ sau khi không tìm được lao động trong nước đáp ứng được đúng như nhu cầu sử dụng thì mới được tuyển lao động nước ngoài. Lấy cớ tình hình tuyển dụng lao động khó khăn như hiện nay ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm cách tuyển và "tuồn" LĐNN vào làm việc tại công ty của họ.

Có thể thấy, việc quản lý LĐNN không phải chỉ quản  nhiều loại giấy tờ của người lao động mà còn  rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan cùng  với việc kiểm tra, xử lý kiên quyết những vi phạm.

Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH cho biết  chỉ quản lý thị trường lao động, cấp phép cho LĐNN, còn việc thực thi cụ thể thế nào là của các cơ quan liên quan khác. Nói như vậy thì trách nhiệm cụ thể không nằm ở cơ quan cụ thể nào mà chính là trách nhiệm… chung của nhiều cơ quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Còn nhiều kẽ hở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.