Theo Kyodo ngày 14-6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật sửa đổi để thay thế chương trình thực tập sinh nước ngoài đang gây tranh cãi bằng một hệ thống mới khuyến khích người lao động từ nước ngoài ở lại Nhật Bản lâu hơn, trong bối cảnh các nhà chức trách tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng nhân khẩu học gây ra.
Hệ thống mới được xây dựng để thúc đẩy và thu hút nhân tài nước ngoài, đồng thời giúp những người lao động thiếu kinh nghiệm có được các kỹ năng cần thiết để chuyển sang chương trình công nhân lành nghề được chỉ định trong 3 năm. Hệ thống này sẽ thay thế Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật, được thực hiện từ năm 1993 nhằm phát triển các kỹ năng của người lao động nước ngoài từ các quốc gia đang phát triển. Chương trình này bị chỉ trích là một con đường để Nhật Bản nhập khẩu lao động giá rẻ.
Theo Cơ quan Dịch vụ Di trú, tính đến cuối năm 2023, số lượng thực tập sinh theo chương trình thực tập kỹ thuật đã tăng 24,5% so với một năm trước lên khoảng 404.000 người. Dữ liệu của cơ quan này cho thấy số lượng lao động nước ngoài có tay nghề được chỉ định đã tăng 59,2% lên khoảng 208.000 người, trong đó chỉ có 37 người có thị thực số 2.
Với dự luật dự kiến sẽ tăng số lượng thường trú nhân, các sửa đổi cũng đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn cho phép chính phủ thu hồi tình trạng này. Những cá nhân cố tình không nộp thuế và đóng góp an sinh xã hội có thể bị thu hồi hoặc thay đổi tư cách. Các điều khoản này đã gây ra sự chỉ trích từ các nhà lập pháp đối lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.