Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý hành nghề y, dược tư nhân: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thu Trang| 07/08/2019 06:31

LTS: Không thể phủ nhận, hệ thống y, dược tư nhân ngày càng góp phần tích cực chia sẻ gánh nặng với y tế công lập trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện có không ít cơ sở y, dược tư nhân hoạt động quá phạm vi cho phép, hành nghề “chui”; cộng với những khoảng trống trong công tác quản lý… gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người bệnh. Siết chặt quản lý, đưa hệ thống y, dược tư nhân hoạt động theo đúng "quỹ đạo" là việc làm cấp bách hiện nay, tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội khảo sát tại Viện Chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (địa chỉ 169 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Trang Thu

Bài đầu: Đụng đâu cũng ra sai phạm

Theo Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận không ít bất cập và sai phạm tại các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, nhà thuốc... Điều đáng nói, những vi phạm này đã trở thành “căn bệnh kinh niên” và chưa có “thuốc đặc trị”.

Phớt lờ các quy định

Chỉ trong 2 ngày 25 và 26-7, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát 8 phòng khám, nhà thuốc, cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Kết quả, phát hiện 6/8 cơ sở có những bất cập, sai phạm như: Điều kiện cơ sở vật chất và môi trường không bảo đảm, thiếu hệ thống cấp cứu, chưa quan tâm đến việc chống nhiễm khuẩn, người bán thuốc không có chuyên môn, nhà thuốc vẫn hoạt động khi không có giấy phép…

Phòng khám đa khoa Việt Âu (tại số 104, đường 84 Kim Quan, huyện Thạch Thất), trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Việt Âu được cấp phép hoạt động với 6 chuyên khoa và quảng cáo là phòng khám chất lượng cao đầu tiên trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Thế nhưng, khảo sát thực tế tại phòng khám này vào chiều 25-7 cho thấy tình trạng môi trường không sạch sẽ, diện tích chật hẹp, mỗi buồng khám và cấp cứu chỉ từ 8m2 đến 10m2, bố trí không hợp lý. Riêng khu vực khám nhi sắp xếp lộn xộn, không có chỗ rửa tay cho nhân viên y tế, phòng lưu bệnh nhân thiếu hệ thống chống sốc và hệ thống ô xy…

Nói về nguy cơ từ tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, thành viên Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân cho rằng, trong hoạt động khám, chữa bệnh, sự cố y khoa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Ngay cả thủ thuật đơn giản nhất là tiêm cũng tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ. Do đó, hệ thống cấp cứu, an toàn cho bệnh nhân luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Tương tự, khảo sát tại Viện Chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (địa chỉ 169 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) vào sáng 26-7, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã phát hiện một loạt bơm tiêm sử dụng một lần không bảo đảm điều kiện vô khuẩn. Đoàn giám sát đã nhắc nhở nhân viên tại đây hủy bỏ toàn bộ số bơm tiêm này. Ngoài ra, trong danh mục kỹ thuật của cơ sở này không được phê duyệt kỹ thuật điện tim nhưng tại đây lại phát hiện một máy điện tim…

Còn khảo sát tại Phòng khám đa khoa Y Tâm (Khu đô thị mới Văn Phú, quận Hà Đông) vào chiều 26-7, phòng khám được thiết kế gọn gàng, phân rõ quy trình khám bệnh, niêm yết công khai giá dịch vụ. Tuy nhiên, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, quản lý rác thải y tế chưa được coi trọng. Cụ thể, máy hấp sấy, tiệt trùng trang thiết bị, dụng cụ khám, chữa bệnh đặt ngoài ban công tòa nhà chỉ để… cho có; rác thải y tế tập kết ngay trước phòng khám.

Theo đại diện phòng khám, rác thải sẽ được vận chuyển đi tiêu hủy 2 ngày/lần. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đình Hưng, việc thu gom, vận chuyển rác thải tại các phòng khám phải được tiến hành 1 lần/ngày, nếu để 2 ngày sẽ không bảo đảm vệ sinh môi trường.

“Dù các phòng khám có quy mô nhỏ nhưng cũng phải đáp ứng đúng chuẩn của một cơ sở y tế, từ thiết kế phòng, đến quy trình đón tiếp, thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, chụp chiếu… phải bảo đảm khép kín. Thế nhưng, đa phần các phòng khám tư hiện nay đều thuê lại mặt bằng là nhà dân nên không có điều kiện để cải tạo, đáp ứng đầy đủ yêu cầu mà một cơ sở y tế đặt ra”, ông Nguyễn Đình Hưng phân tích.

Nhân viên quầy thuốc thành… bác sĩ

Quầy thuốc Đức Tâm (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất) chưa được cấp phép nhưng đã hoạt động (tại thời điểm khảo sát ngày 25-7).   Ảnh: Trang Thu

Sáng 26-7, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố có mặt tại nhà thuốc 365.vn (99 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng), dược sĩ phụ trách vắng mặt, chỉ có nữ nhân viên không có chứng chỉ chuyên môn. Khi được hỏi, nhân viên này khẳng định, chỉ đứng trông cửa hàng, không bán thuốc. Sau khi Đoàn giám sát đi khỏi, phóng viên Báo Hànộimới đã quay lại nhà thuốc và được chính nữ nhân viên nói trên bán cho một vỉ thuốc chống đau đầu…

Theo báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng, từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y, dược tư nhân của quận đã tiến hành kiểm tra 12 nhà thuốc, trong đó phát hiện và xử phạt hành chính hơn 63 triệu đồng đối với 7 nhà thuốc do kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện; không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua, bán thuốc theo quy định; dược sĩ phụ trách chuyên môn vắng mặt.

Tình trạng này cũng xảy ra tại các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn huyện Thạch Thất. Khảo sát quầy thuốc Đức Tâm (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất) chiều 25-7, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố phát hiện, quầy thuốc này chưa được cấp phép nhưng đã hoạt động được hơn 1 tháng. Điều đáng nói, khi thấy Đoàn giám sát, các quầy thuốc nằm cạnh quầy thuốc Đức Tâm đồng loạt đóng cửa, dừng hoạt động.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, trên những tấm biển hiệu của các quầy thuốc này đều không ghi số giấy phép hoạt động theo quy định. Tương tự, tại nhà thuốc Minh Tiến VI (298 Quang Trung, quận Hà Đông), dược sĩ phụ trách chuyên môn không có mặt, mọi hoạt động tư vấn, bán thuốc do 2 nhân viên đảm nhận…

Bà Cấn Thị Hải Hà, Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất thừa nhận, qua kiểm tra của chính quyền địa phương, một số phòng khám, quầy thuốc vẫn còn tình trạng dược sĩ vắng mặt, hoạt động khi chưa được cấp phép.

Còn theo bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, vì lợi nhuận, một số cơ sở kê những đơn thuốc đắt tiền, tự ý đẩy giá thuốc và dịch vụ khám bệnh quá cao, lạm dụng những xét nghiệm không cần thiết, thực hiện những kỹ thuật quá phạm vi cho phép… Đó là những vấn đề khiến người dân còn e ngại đối với cơ sở y, dược tư nhân.

(Còn nữa)

Trong 6 tháng năm 2019, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra 70 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân; xử phạt vi phạm hành chính 44 trường hợp với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Về lĩnh vực dược, thanh tra tổng số 141 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 110 trường hợp với số tiền hơn 314 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hành nghề y, dược tư nhân: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.