Y tế

Đông Anh: Chú trọng tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược

Việt Tuấn 10/07/2024 - 18:09

Chiều 10-7, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã giám sát công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện Đông Anh từ năm 2021 đến nay.

3(1).jpg
Đoàn khảo sát cơ sở hành nghề y trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Việt Tuấn

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, đến tháng 5-2024, tổng số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện là 431 cơ sở. Trong đó, hành nghề y ngoài công lập có 105 cơ sở; hành nghề dược ngoài công lập có 326 cơ sở.

Đội ngũ nhân lực làm trong lĩnh vực y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện có hơn 100 bác sĩ, 45 dược sĩ đại học và hơn 300 dược sĩ trung học. Các cơ sở đã quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị, như: 15 máy siêu âm màu, khoảng 50 ghế răng, 7 máy X-quang... cùng nhiều trang thiết bị y tế hiện đại.

2(1).jpg
Thành viên đoàn giám sát khảo sát hoạt động một hiệu thuốc tại huyện Đông Anh. Ảnh: Việt Tuấn

Hằng năm, các cơ sở hành nghề y ngoài công lập đã thực hiện hơn 185.000 lượt khám, chữa bệnh, hơn 2.000 lượt cấp cứu và khoảng 300 lượt chuyển viện. Các cơ sở đều được Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Đông Anh còn có 2 phòng khám đa khoa khu vực; có 1 phòng khám đa khoa của Bệnh viện Nam Thăng Long.

Từ năm 2021 đến nay, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện không xảy ra tai biến chuyên môn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này được UBND huyện quan tâm thực hiện. Từ năm 2021 đến nay, có 877 cơ sở được kiểm tra, 38 cơ sở bị xử lý vi phạm, 7 cơ sở bị đình chỉ hoạt động với tổng số tiền phạt trên 600 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Cơ sở hành nghề y hoạt động có biển hiệu nội dung không đầy đủ theo quy định; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động...

Trưởng đoàn giám sát Phùng Thị Hồng Hà kết luận buổi giám sát. Ảnh: Việt Tuấn

Sau khi thành viên đoàn giám sát trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề quan tâm, phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận những kết quả tích cực của huyện trong công tác quản lý nhà nước về y, dược tư nhân trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập, đặc biệt tại cấp xã trên địa bàn huyện còn một số hạn chế; một số xã, thị trấn chưa thực sự quyết liệt trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, chủ yếu còn ủy thác cho trạm y tế. Công tác phối hợp trong kiểm tra chưa chặt chẽ dẫn đến còn hiện tượng kiểm tra chồng chéo...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện Đông Anh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhân dân đối với công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn; phân công rõ trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị.

Tuyên truyền tới từng hộ kinh doanh, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp... thực hiện đúng quy định về hành nghề, cam kết không thực hiện quá phạm vi chuyên môn. Tăng cường sự phối hợp giữa các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Đồng thời khuyến khích người dân chủ động phát hiện các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc hoạt động không phép, quá phạm vi chuyên môn, quảng cáo không phép, thông báo kịp thời cho các cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh: Chú trọng tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.