Y tế

Hà Nội siết chặt quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân:Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu

Việt Tuấn 27/09/2024 09:0

LTS: Đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội mới đây cho thấy, có nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; vẫn còn tình trạng hoạt động “chui”, hành nghề không đúng chuyên môn, có biểu hiện "chạy" theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do vậy, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài: "Hà Nội siết chặt quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân: Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu".

Bài 1: Góp phần giảm tải cho y tế công lập

Thời gian qua, các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Nhiều cơ sở đã triển khai những kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các bệnh viện công lập và bệnh viện trong khu vực, đóng góp tích cực trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, giảm tải đáng kể cho y tế công lập.

tu-nhan.jpg
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát một cơ sở hành nghề y, dược tư nhân tại quận Cầu Giấy.

Có 15.339 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân

Tính đến tháng 6-2024, toàn thành phố Hà Nội có 15.339 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân được cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ (giấy phép) hành nghề, trong đó có 4.648 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, 10.691 cơ sở hành nghề dược.

Về công tác quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 02/2023/CT-UBND ngày 8-2-2023 thay thế Chỉ thị số 10/2013/CT-UBND ngày 2-5-2013 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân. Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Thông tin thêm về vấn đề trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, quy trình cấp phép hành nghề y, dược tư nhân được rà soát và kịp thời điều chỉnh những bất cập, bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ và trả kết quả. Từ năm 2021 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 2 quyết định đơn giản hóa 79/197 thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng của Sở Y tế, tổng số thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút, giảm 291 ngày làm việc, đạt 40,1%; đơn giản hóa đối với 19 thủ tục lĩnh vực khám, chữa bệnh với tổng số thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút giảm là 44 ngày.

Hà Nội là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về việc cấp phép hành nghề y, dược tư nhân bảo đảm đúng quy định và thời hạn giải quyết, được Bộ Y tế đánh giá cao, với 14.899 chứng chỉ (giấy phép) hành nghề y, dược đã được cấp (6 bệnh viện tư nhân, 54 phòng khám đa khoa, 279 phòng khám y học cổ truyền, 1.224 phòng khám chuyên khoa khác; 552 công ty, 3.917 nhà thuốc, 1.742 quầy thuốc và cơ sở kinh doanh dược với các hình thức tổ chức khác).

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương, việc cấp giấy phép hoạt động đối với người nước ngoài trong lĩnh vực y tế được chú trọng, quan tâm. Từ tháng 1-2023 đến hết tháng 7-2024, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp phép cho 51 đơn vị, doanh nghiệp với 191 lao động nước ngoài (126 người làm chuyên môn về y tế). Các quận, huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong công tác quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; cập nhật thống kê, quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Về cơ bản, các cơ sở đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật; hoạt động theo phạm vi chuyên môn, danh mục kỹ thuật được phê duyệt. Nhiều cơ sở y tế tư nhân đã quan tâm đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ giảm tải cho hệ thống y tế công lập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có thể kể đến một số bệnh viện chất lượng cao như: Bệnh viện VIMEC, Bệnh viện Thu Cúc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện Việt - Pháp...

Đáng ghi nhận, trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, toàn thành phố có 9 bệnh viện và phòng khám chuyên khoa xét nghiệm tư nhân triển khai công tác lấy mẫu và xét nghiệm Covid-19 tại các quận, huyện, thị xã trong chiến dịch xét nghiệm diện rộng của thành phố. Ngoài ra, đã có 1.344 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia hỗ trợ các địa phương tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và lấy mẫu xét nghiệm; 45 điều dưỡng và kỹ thuật viên thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, tham gia tiêm chủng hỗ trợ tỉnh Hà Nam; 11 nhà thuốc tổ chức bán lẻ 24/24 giờ trong những ngày thực hiện cách ly xã hội; 20 tổ cấp cứu phục vụ tỉnh Bắc Giang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu trong đợt tiêm chủng; 17 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia điều trị Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang...

Chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện. Sở Y tế cũng như các quận, huyện, thị xã đã tổ chức phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, cơ sở thẩm mỹ viện, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ massage, cơ sở chăm sóc da... Qua đó, kịp thời giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân.

Theo thống kê, từ ngày 1-1-2021 đến 31-5-2024, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra 1.115 lượt cơ sở (697 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh; 418 cơ sở hành nghề dược), tước 61 chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động; xử lý vi phạm hành chính 695 cơ sở, tổng số tiền phạt là hơn 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội kiểm tra, giám sát một số dự án theo lĩnh vực và thành lập đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp tại địa điểm thực hiện dự án của doanh nghiệp (năm 2023 thực hiện giám sát 81 dự án/tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, năm 2024 giám sát 64 dự án/tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài). Công an thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 682 cơ sở với tổng số tiền gần 3,9 tỷ đồng; phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 37 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài trên địa bàn, xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở, tổng số tiền phạt 400 triệu đồng (đình chỉ 2 cơ sở, thu hồi giấy phép hoạt động của 2 cơ sở, tước quyền sử dụng 2 chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiểm tra 6 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực y tế. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thực hiện rà soát 253 trang thông tin điện tử tổng hợp của 92 đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội kiểm tra 12 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tổng số tiền từ chối chi trả gần 1,4 tỷ đồng.

Các quận, huyện, thị xã cũng đã thanh tra 23.737 lượt cơ sở; xử lý vi phạm hành chính đối với 1.366 trường hợp, tổng số tiền phạt là hơn 15 tỷ đồng; đóng cửa 324 cơ sở. Trong đó, quận Cầu Giấy kiểm tra 854 cơ sở, xử phạt 99 cơ sở với số tiền gần 1,9 tỷ đồng, đóng cửa dừng hoạt động 12 cơ sở, yêu cầu 18 cơ sở dỡ bỏ biển hiệu sai quy định. Quận Bắc Từ Liêm kiểm tra 1.169 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 41 cơ sở với số tiền phạt là 660 triệu đồng. Quận Hà Đông kiểm tra 1.311 cơ sở, xử phạt 57 cơ sở với số tiền 805 triệu đồng... Nhờ đó đã kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, đặt sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội siết chặt quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân: Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.