Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý dịch vụ internet: Cần sự phối hợp đồng bộ

Ban Bạn đọc| 19/08/2010 07:16

(HNM) - Chỉ còn hơn tuần nữa (25-8), khoảng 200 điểm truy cập internet cách trường học dưới 200m trên địa bàn Hà Nội sẽ phải ngừng hoạt động theo Quyết định số 15/QĐ-UBND và Công văn số 6399/UBND-VHKG của UBND thành phố.

Đây là chủ trương đúng đắn nhằm quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, đặc biệt là trò chơi điện tử trên mạng internet (game online). Xung quanh chủ đề này, Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến của người dân...

Học sinh chơi game online tại một quán internet.

Bà Nguyễn Bích Phượng (Nhà 15T7 Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy):
Việc “đóng cửa” này cũng như việc xây một bức tường rào

Các bậc phụ huynh học sinh rất vui khi nhận được thông tin thành phố có văn bản yêu cầu dừng hoạt động đối với 200 điểm truy cập internet có vị trí nằm gần trường học. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc “làm sạch” môi trường sư phạm. Tôi có con trai đang học lớp 9 của một trường THCS tại quận Ba Đình, không đua đòi, đàn đúm nhưng cháu mê chơi game đến độ quên cả ăn. Sau khi tan học, cháu thường xuyên la cà tại các đại lý internet gần cổng trường. Trẻ em hiếu động, dễ bị rủ rê, bố mẹ không thể kiểm soát hết được. Vì thế, những hôm cháu đi học về muộn, tôi cứ đến tìm trong các quán net gần trường thế nào cũng “tóm” được... Tôi không dám hy vọng việc đóng cửa các quán net ngay gần trường học sẽ đem lại hiệu quả tuyệt đối bởi không chơi ở chỗ này, các cháu có thể tìm chơi chỗ khác nhưng chí ít việc này cũng tạo ra sự ngăn cách. Ví như chúng ta xây một bức tường rào, chưa hẳn có tác dụng chống trộm nhưng nó tạo ngăn cách, gây tâm lý ngại cho người chơi.

Anh Bùi Quốc Thái (Công ty cổ phần Đầu tư truyền thông Vạn Lợi - Hà Nội):
Cần có sự phối hợp đồng bộ

Quản lý dịch vụ internet là lĩnh vực đặc thù chứ nó không đơn giản như chuyện dẹp hàng rong, do đó cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành. Theo chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, 200 điểm truy cập internet gần trường học sẽ bị đóng cửa, kế hoạch này muốn đạt hiệu quả phải có sự phối hợp rất chặt của các đơn vị viễn thông bởi họ là đơn vị cung cấp dịch vụ, sẽ không bao giờ muốn để mất khách hàng. Việc cắt đường truyền tại 200 điểm truy cập internet gần trường học không khó, nhưng việc cắt đường truyền của tất cả các đại lý từ 23h đêm đến 6h sáng lại là vấn đề khó. Chỉ khi nào, đơn vị cung cấp dịch vụ thực sự tự giác, hợp tác với chính quyền thành phố thì chủ trương này mới đem lại hiệu quả thật sự...

Ông Vũ Văn Luận (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai):
Phải quản lý ngay từ đầu vào

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có 72 trò chơi game online đang lưu hành trên mạng, trong đó 2/3 là trò chơi mang tính bạo lực. Các nhà quản lý, đặc biệt là lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy thực tế này để đưa ra biện pháp quản lý. Tôi cho như vậy là đúng và rất kịp thời. Tuy nhiên theo tôi, việc quản lý này phải thực hiện ngay từ đầu vào. Thực ra, để tham gia vào các trò chơi, người chơi chỉ cần có một nick name và một account để đăng nhập hệ thống. Mặc dù nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ trò chơi có yêu cầu kê khai bản đăng ký như: tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi ở, email liên hệ, số chứng minh nhân dân... nhưng thực tế tất cả các thông tin này đều là thông tin ảo, vẫn được hệ thống chấp nhận. Cháu tôi mới học lớp 3 nhưng nó đã tự lập nick để tham gia trò chơi mà không gặp khó khăn gì. Hơn thế, dù là trò chơi cũng phải mang tính định hướng và giáo dục. Tại sao các đơn vị cung cấp dịch vụ game không nghiên cứu để thiết kế một game về lịch sử Việt Nam, vừa hấp dẫn người chơi, vừa giúp họ hiểu về đất nước, con người Việt Nam mà suốt ngày cứ phải: Võ lâm truyền kỳ, Tam quốc chí hay Kiếm thế?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý dịch vụ internet: Cần sự phối hợp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.