Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập: Chặt quy trình, tăng “hậu kiểm”

Hồng Hạnh| 20/12/2013 06:13

(HNM) - Tình trạng bạo hành trẻ xảy ra tại một số cơ sở mầm non ngoài công lập khiến dư luận bức xúc thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng quản lý.

Nhằm tiếp tục siết chặt kỷ cương, thực thi nhiệm vụ của các cấp quản lý và cơ sở, ngày 19-12, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 25/CT-UBND về tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục (GD) NCL, trong đó đặc biệt lưu ý đến các cơ sở MN NCL trên địa bàn thành phố.

Tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của các trường mầm non ngoài công lập là hết sức cần thiết. Ảnh: Bảo Kha


Nhiều bất cập

Việc tăng cường quản lý các cơ sở MN NCL nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi đây là cấp học, có quy mô trẻ NCL lớn nhất. Hà Nội hiện có gần 15 nghìn nhóm lớp và 202 trường MN NCL. Tỷ lệ trẻ theo học tại các trường và nhóm lớp MN NCL chiếm 15% trong tổng số gần 440 nghìn trẻ ra lớp. Nhiều năm qua, công tác quản lý cơ sở MN NCL luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, song thực tế cho thấy, đây là ngành học tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Một trong hạn chế cơ bản là "việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức quản lý hoạt động các cơ sở GD NCL chưa đáp ứng được yêu cầu; trách nhiệm quản lý các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã còn chưa sát sao, thiếu cương quyết, có lúc, có việc chưa nghiêm…". Đây cũng là tồn tại được chỉ rõ trong Chỉ thị 25 của UBND thành phố Hà Nội.

Theo ý kiến chung, sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở MN NCL khiến cho việc kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý đang gặp không ít khó khăn. Hầu hết các phòng GD-ĐT cho rằng, do lực lượng nhân lực "mỏng" nên không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đơn cử, Phòng GD-ĐT Hà Đông có tới 122 cơ sở đã được cấp phép thành lập, trong đó 60 cơ sở đã được cấp phép hoạt động, nhưng chỉ có một biên chế cho MN. Huyện Từ Liêm có tới 32 trường MN NCL và 170 nhóm lớp, số cán bộ của Phòng GD-ĐT rất ít nên không quản xuể. Phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất cho biết thời gian gần đây đã giải thể 11 nhóm lớp MN NCL, hiện chỉ còn 12 nhóm lớp và 2 trường MN NCL, song cả phòng chỉ có 12 người nên cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý ở cấp MN.

Nhân lực "mỏng", kinh phí cho việc kiểm tra hầu như không có là những bất cập được các Phòng GD-ĐT đề cập với mong muốn cần có sự điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Ngoài ra, sự bất cập trong quản lý còn thể hiện ở thực tế là, nếu phát hiện sai phạm, mức xử phạt nặng nhất đối với cơ sở cũng chỉ là yêu cầu đóng cửa. Nhưng rồi, việc đóng cửa những cơ sở MN NCL vi phạm như "bắt cóc bỏ đĩa", cứ bị đóng cửa ở nơi này thì lại "mọc" ra ở nơi khác.

Công khai "5 rõ"

Vấn đề mấu chốt trong việc đưa hoạt động của các cơ sở MN NCL vào nền nếp được xác định là phải tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát trong mọi khâu, từ thẩm định thành lập đến cả quá trình hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Hòa (chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường phổ thông ngoài công lập), việc phát triển mô hình NCL là xu thế chung, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, nhưng không phải cơ sở nào cũng có đủ điều kiện để có thể làm tốt, bởi GD là ngành đặc thù. Có những quận có tới hàng trăm cơ sở giáo dục NCL mà không có người phụ trách riêng, đây là thiệt thòi cho người học và cả cơ sở. Vì vậy, ông đề xuất Sở GD-ĐT cân nhắc thành lập bộ phận quản lý trực tiếp các cơ sở NCL, tại mỗi Phòng GD-ĐT cũng phải có biên chế cho mảng việc này, chứ không thể chỉ là phối hợp, kiêm nhiệm như hiện nay.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT đã giao nhiệm vụ và chỉ rõ vai trò của các Phòng GD-ĐT đối với công tác quản lý cơ sở NCL nói chung và MN NCL nói riêng. Lý do bởi Phòng GD-ĐT là đơn vị thẩm tra về điều kiện thành lập, điều kiện hoạt động, làm căn cứ để chính quyền cấp phép; Phòng cũng là đơn vị chịu trách nhiệm về hoạt động chuyên môn của các cơ sở NCL. Thực tế những sự việc xảy ra thời gian qua còn cho thấy, một trong những nguyên nhân là người dân, phụ huynh không được cung cấp thông tin đầy đủ về việc này; không biết trên địa bàn mình có cơ sở nào đã được cấp phép, nơi nào chưa để có sự lựa chọn chính xác. Đến khi xảy ra sự cố, nhiều người mới té ngửa rằng, nơi mình gửi con không được cấp phép hoạt động, thậm chí chưa xin phép thành lập.

Theo yêu cầu của Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, các Phòng GD-ĐT phải có trách nhiệm công khai trên mạng danh mục những đơn vị đã được cấp phép hoạt động theo "5 rõ" gồm: Rõ tên trường, rõ tổ chức bộ máy, rõ quy mô tuyển sinh, rõ chất lượng đội ngũ và rõ điều kiện cơ sở vật chất. Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp và công khai trên website của ngành danh mục này của 29 quận, huyện, thị xã. Đây là căn cứ để người dân phát hiện và cung cấp cho cơ quan quản lý những cơ sở hoạt động "chui" để kịp thời xử lý. Ngay sau hội nghị này, các Phòng GD-ĐT phải rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục NCL trên địa bàn và tham mưu với UBND quận, huyện ban hành văn bản giao nhiệm vụ cụ thể về quản lý cơ sở GD NCL cho UBND các phường, xã. Đây được coi là lực lượng "chân rết" trong việc kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ rủi ro tại các cơ sở GD NCL tại địa bàn. Việc phân công nhiệm vụ càng cụ thể thì việc thực hiện, giám sát càng thuận tiện và khi xảy ra sự việc cũng biết rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân nào để có căn cứ xử lý đúng quy định. Giám đốc Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị trong quá trình kiểm tra, thanh tra phải kiên quyết với những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập: Chặt quy trình, tăng “hậu kiểm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.